Xem chi tiết tin - ĐOÀN ĐBQH VÀ HĐND TỈNH HẬU GIANG - ĐẠI BIỂU NHÂN DÂN TỈNH HẬU GIANG

 

Báo cáo kết quả hoạt động năm 2020 và phương hướng nhiệm vụ năm 2021

Ngày 17-11-2021

Thực hiện Luật tổ chức Quốc hội và Chương trình công tác năm 2020. Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang báo cáo kết quả hoạt động năm 2020 và phương hướng nhiệm vụ năm 2021 như sau:

Phần thứ nhất

KẾT QUẢ HOẠT ĐỘNG NĂM 2020

I. Đặc điểm tình hình chung

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang khoá XIV có 05 đại biểu (02 đại biểu địa phương và 03 đại biểu Trung ương). Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang có trụ sở riêng, có bộ máy Văn phòng giúp việc gồm 5 công chức chuyên môn (thiếu 03 biên chế) và 04 nhân viên hợp đồng lao động (lái xe, bảo vệ, tạp vụ). Trong năm 2020, tình hình thiên tai, biến đổi khí hậu và dịch bệnh ngày càng phức tạp, nhất là đại dịch Covid-19 đã tác động trực tiếp đến đời sống chính trị, kinh tế, xã hội và quốc phòng, an ninh trong nước nói chung và của tỉnh Hậu Giang nói riêng. Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Quốc hội, Chính phủ, nhiều chính sách, nghị quyết sát hợp, kịp thời đã thực hiện vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội hiệu quả, thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động thu nhập thấp, hộ khó khăn kịp thời tạo ổn định và niềm tin trong xã hội và cộng đồng quốc tế.

Hoạt động của Đoàn ĐBQH, các vị ĐBQH bám sát kế hoạch, nhiệm vụ năm 2020, tích cực đổi mới phương thức hoạt động phù hợp, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, góp phần quan trọng vào những thành tích chung của Quốc hội và của tỉnh Hậu Giang[1].

II. Kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2020

1. Công tác đóng góp dự thảo Luật, Nghị quyết

Về lấy ý kiến đóng góp luật tại địa phương: Đoàn đại biểu Quốc hội tổ chức lấy ý kiến đóng góp đối với 19 dự án luật để Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ Chín, thứ Mười, Quốc hội khoá XIV bao gồm các dự thảo: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội; Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giám định tư pháp; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng; Luật Đầu tư (sửa đổi); Luật Doanh nghiệp (sửa đổi); Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP); Luật Thanh niên (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều; Luật cư trú; Luật Thỏa thuận quốc tế; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xử lý vi phạm hành chính; Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi); Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi); Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cở sở; Luật Phòng, chống ma túy; Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS); Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi); Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Đồng thời còn tham gia đóng góp một số dự án luật khác theo đề nghị các cơ quan của Quốc hội, Bộ, ngành Trung ương.

2. Công tác giám sát

Các vị đại biểu Quốc hội thực hiện chức năng giám sát thông qua việc tổ chức 01 chuyên đề: “Việc thực hiện các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên” trên địa bàn tỉnh Hậu Giang và tổng hợp báo cáo theo quy định; tham gia cùng Đoàn Giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội giám sát về “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông” tại tỉnh Hậu Giang.

Tổng hợp báo cáo kết quả hoạt động giám sát năm 2019 của Đoàn ĐBQH tỉnh; kiến nghị một số nội dung để Quốc hội và Ủy ban thường vụ Quốc hội giám sát năm trong 2021 gửi về Văn phòng Quốc hội theo thời gian quy định.

3. Công tác dân nguyện

a) Về hoạt động tiếp công dân và giám sát việc xử lý đơn thư

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh xây dựng lịch tiếp công dân định kỳ (mỗi tháng 01 lần) tại trụ sở Đoàn để các vị ĐBQH thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân theo quy định của pháp luật; đồng thời cử công chức tiếp dân thường xuyên tại Trụ sở Đoàn ĐBQH và Trụ sở tiếp công dân tỉnh. Đã tiếp 18 lượt công dân và nhận được 106 lượt đơn (chủ yếu gửi qua đường bưu điện). Kết quả xử lý: đã giải thích, hướng dẫn và tham mưu trình lãnh đạo Đoàn xem xét, xử lý 100% số lượng đơn (trong đó có hướng dẫn, lưu do trùng lắp, hết hiệu lực hoặc đã có kết quả giải quyết của cơ quan theo thẩm quyền). Bên cạnh đó lãnh đạo Đoàn ĐBQH cùng lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự tỉnh phối hợp giám sát 01 vụ việc tại thị trấn Nàng Mau, huyện Vị Thủy.

b) Về hoạt động tiếp xúc cử tri

Thực hiện sự chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, các hoạt động tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ Chín, thứ Mười được đổi mới hình thức phù họp tình hình phòng chống dịch covid-19. Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh phối hợp với Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh tổ chức phát phiếu lấy ý kiến đến cử tri tại 75 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh với 7.500 phiếu và ghi nhận 3.545 lượt ý kiến, kiến nghị đến Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp (trong đó có 306 ý kiến, kiến nghị đến Trung ương); tổ chức tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ Chín, thứ Mười 16 lượt tại 08 đơn vị huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, có 3.475 lượt cử tri tham dự và đã ghi nhận 119 lượt ý kiến, kiến nghị của cử tri. Đồng thời, xây dựng báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi về Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định.

 c) Về giám sát giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri

Qua tiếp xúc cử tri trước và sau Kỳ họp thứ Chín, thứ Mười, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang ghi nhận, tổng hợp kịp thời kiến nghị với các Bộ ngành Trung ương. Bên cạnh đó, Đoàn ĐBQH còn có văn bản phản ánh về kiến nghị đối với việc xin chủ trương xem xét, đầu nâng cấp, mở rộng tuyến đường liên kết vùng Cần Thơ - Hậu Giang (Quốc lộ 61C) kiến nghị xem xét  cho Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển chi nhánh Hậu Giang thành lập thêm phòng giao dịch tại thị trấn Cây Dương, huyện Phụng Hiệp; kiến nghị nâng cấp Phòng giao dịch của Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn tại thị trấn Vĩnh Viễn lên thành Chi nhánh huyện Long Mỹ. Nhiều kiến nghị của cử tri được Đoàn ĐBQH gửi đến các Bộ, ngành Trung ương: Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (05 văn bản); Bộ Xây dựng (03 văn bản); Bộ Giao thông vận tải (03 văn bản); Bộ Nội vụ (02 văn bản); Bộ Tài chính (02 văn bản); Bộ Tài nguyên và Môi trường (02 văn bản); Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (02 văn bản); Bộ Công an (01 văn bản); Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (01 Văn bản).

Đến nay, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã nhận được tổng số 21 văn bản của Bộ, ngành Trung ương (đính kèm phụ lục). Các văn bản trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri được Đoàn ĐBQH tỉnh phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh tổ chức thông tin công khai rộng rãi tại các điểm khu dân cư; phối hợp với Báo Hậu Giang đăng nội dung văn bản tại chuyên mục “Đoàn ĐBQH trả lời kiến nghị cử tri”; phối hợp Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Hậu Giang phát sóng trên chuyên mục “Đại biểu dân cử với cử tri”. Nhìn chung các nội dung trả lời của Bộ, ngành và các cơ quan Trung ương đã tập trung giải quyết từng ý kiến, kiến nghị của cử tri, đúng với nội dung, sát với những vấn đề mà cử tri quan tâm.

4. Hoạt động của Đoàn ĐBQH tại kỳ họp và ĐBQH chuyên trách ở địa phương

a) Hoạt động của Đoàn ĐBQH tại kỳ họp

Tại kỳ họp thứ Chín, thứ Mười, các vị đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang đã tích cực, trách nhiệm tham gia 45 lượt phát biểu (trong đó có 15 lượt ý kiến thảo luận Đoàn; 16 lượt ý kiến thảo luận Tổ; 13 ý kiến phát biểu thảo luận, tranh luận tại Hội trường) và 01 ý kiến chất vất Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao).

Trong thời gian diễn ra kỳ họp, các vị đại biểu Quốc hội chấp hành tốt Nội quy kỳ họp và sự chỉ đạo của Đảng đoàn Quốc hội; tham gia đầy đủ các hoạt động tại kỳ họp. Từng đại biểu Quốc hội trong Đoàn đều tập trung nghiên cứu; tích cực tham gia ý kiến đóng góp, thể hiện chính kiến của mình, phản ánh đúng thực tiễn kiến nghị của cử tri, góp phần hoàn chỉnh các báo cáo, Luật, Nghị quyết của Quốc hội tại kỳ họp. Các vị đại biểu Quốc hội tỉnh còn tham gia lấy ý kiến thẩm tra luật, nghị quyết với các Ủy ban của Quốc hội như: Ủy ban Tài chính và Ngân sách; Ủy ban Kinh tế; Ủy ban Đối ngoại; Ủy ban Quốc phòng và An ninh; Ủy ban Pháp luật; Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng; Ủy ban các vấn đề về xã hội; Ủy ban Khoa học, công nghệ và Mội trường; dự Hội thảo tham vấn về một số nội dung sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường; Luật Thanh niên, Luật Phòng chống ma túy (sửa đổi).

b) Hoạt động của ĐBQH chuyên trách ở địa phương

Xác định vai trò là Phó Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang, Ủy viên Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội; ngoài thực hiện nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội, còn giữ vai trò là đại biểu chuyên trách của địa phương, là cầu nối giữa các vị đại biểu Quốc hội, truyền tải những thông tin trong hoạt động của cơ quan dân cử của địa phương tới Quốc hội.

Tích cực tham gia các hội nghị, hội thảo do Ủy ban thường vụ Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội tổ chức; tham dự các hội nghị sơ kết, tổng kết và các hoạt động khác do Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các sở, ban ngành tổ chức; tham dự các sự kiện, các hoạt động lễ, kỷ niệm do địa phương tổ chức.

Giữ mối liên hệ và phối hợp tốt với Thường trực Hội đồng nhân dân, lãnh đạo Ủy ban nhân dân, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh trong giải quyết ý kiến, kiến nghị cử tri, công tác giám sát và triển khai thi hành Luật, Nghị quyết của Quốc hội.

Phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình Hậu Giang, Báo Hậu Giang, Kênh truyền hình Quốc hội để kịp thời phản ánh nội dung các kỳ họp, hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang và thông báo kết quả trả lời kiến nghị cử tri của các cơ quan Trung ương và địa phương đến cử tri trong tỉnh.

Nhân dịp Tết Nguyên đán năm 2020, cùng với đoàn Tỉnh ủy - Ủy ban nhân dân tỉnh tham gia các hoạt động như: thăm và chúc tết gia đình chính sách, các vị đại biểu Quốc hội qua các thời kỳ của tỉnh, thăm chúc tết các cơ quan, đơn vị trong và ngoài tỉnh,... Đoàn ĐBQH tổ chức thăm, chúc Tết và tặng quà cho các vị đại biểu Quốc hội qua các thời kỳ, các vị đại biểu Quốc hội khóa XIV, Mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình chính sách, các gia đình Công đoàn viên gặp khó khăn, với tổng trị giá 93.140.000 đồng[2]. Đặc biệt là việc vận động các vị ĐBQH, công chức và người lao động Văn phòng quyên góp ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão lụt tại khu vực Miền Trung với số tiền là 5.500.000 đồng.

5. Chỉ đạo hoạt động Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh

Chỉ đạo Văn phòng tham mưu, phục vụ kịp thời việc tổ chức lấy ý kiến các dự thảo luật theo yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện cuộc giám sát chuyên đề trên địa bàn tỉnh và tổng hợp báo cáo sau giám sát theo quy định. Tham mưu xây dựng Kế hoạch phối hợp lấy ý kiến cử tri trước kỳ họp thứ Chín, thứ Mười; Thông báo tiếp xúc cử tri của Đoàn ĐBQH sau kỳ họp thứ Chín, thứ Mười theo quy định. Đặc biệt là thực hiện tốt việc đổi mới hình thức họp Quốc hội qua trực tuyến tại 63 điểm cầu các tỉnh thành. Lãnh đạo Văn phòng đã kịp thời tham mưu lãnh đạo Đoàn ĐBQH có văn bản phối hợp với UBND tỉnh, các cơ quan có liên quan như: Công an, Điện lực, Y tế, VNPT, Công ty AIC, Báo Hậu Giang, Đài PTTH Hậu Giang, Kênh truyền hình Quốc hội,… nhằm đảm bảo an ninh trật tự, an toàn về an toàn thực phẩm, thông tin,… để phục vụ các vị ĐBQH tham dự họp trực tuyến kỳ họp thứ Chín, thứ Mười, Quốc hội khóa XIV tại địa phương. Đồng thời, phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Hậu Giang đưa tin hoạt động của Đoàn ĐBQH và ĐBQH; phân công công chức phục vụ các vị ĐBQH tham dự kỳ họp thứ Chín, thứ Mười, Quốc hội khóa XIV diễn ra tại Hà Nội (tháng 6 và tháng 11).

Tham mưu phục vụ cho lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội thực hiện tiếp công dân đúng theo Luật tiếp công dân và Nghị quyết số 759/2014/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đảm trực tiếp công dân thường xuyên tại trụ sở của Đoàn ĐBQH và trụ sở tiếp công dân của tỉnh.

Chỉ đạo Văn phòng phối hợp với Ban Chấp hành Công đoàn tổ chức Hội nghị cán bộ, công chức và gắn tổng kết công tác năm 2019, triển khai nhiệm vụ công tác năm 2020 của Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh theo đúng thời gian quy định. Đồng thời phát động kế hoạch và đăng ký thi đua năm 2020 của cá nhân và tập thể cơ quan với Cụm thi đua Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh miền Tây và Khối thi đua tham mưu tổng hợp của tỉnh với phong trào thi đua: “Công chức, lao động hợp đồng Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng trong các hoạt động công vụ; đoàn kết, năng động, sáng tạo phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao”; công tác đào tạo, bồi dưỡng luôn được quan tâm, đã tạo điều kiện cho công chức tham gia học học các lớp[3]. Ngoài ra còn cử công thức tham gia các lớp bồi dưỡng, tập huấn về nghiệp vụ do Trung ương và tỉnh tổ chức.

Lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội chỉ đạo lãnh đạo Văn phòng phối hợp với cấp ủy Chi bộ tổ chức thành công Đại hội Chi bộ Văn phòng Đoàn ĐBQH lần thứ II, nhiệm kỳ 2020 – 2025 thành công tốt đẹp; tiếp tục rà soát, bổ sung quy hoạch lãnh đạo Văn phòng Đoàn ĐBQH giai đoạn 2021 – 2026 theo Hướng dẫn của Đảng ủy cơ quan Văn phòng Quốc hội.

Công tác hành chính, tổng hợp được triển khai thực hiện đạt kết quả trong tham mưu, phục vụ như: gắn kết và điều phối hoạt động của Văn phòng theo sự chỉ đạo của lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội; tổng hợp, báo cáo mọi mặt hoạt động của đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội; thực hiện tốt công tác hành chính và văn thư - lưu trữ; đảm bảo nền nếp, kỷ cương, kỷ luật lao động trong Văn phòng. Triển khai môi trường làm việc trên máy tính, thực hiện văn bản điện tử (trao đổi qua họp thư điện tử...), tiết kiệm chi phí Văn phòng trong sử dụng văn bản giấy. Đặc biệt là thực hiện việc xử lý văn bản đến và phát hành văn bản đi trên phần mềm quản lý văn bản và thực hiện ký số theo quy định.

Công tác quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công luôn được đơn vị thực hiện tốt, đúng quy định. Thực hiện nghiêm công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và Luật phòng, chống tham nhũng bằng việc quản lý, sử dụng ngân sách, tài sản nhà nước đúng mục đích, định mức, tiêu chuẩn theo quy định và Quy chế chi tiêu nội bộ cơ quan.

Kết quả thu nhập tăng thêm mỗi cán bộ, công chức và người lao động theo hướng dẫn của Văn phòng Quốc hội (bao gồm tiền khoán chi phục vụ hoạt động Quốc hội, tiền hỗ trợ xây dựng luật, tiền ăn trưa, hỗ trợ lễ, tết,…) bình quân 4,5 triệu đồng/người/tháng. Trong đó, cao nhất là 67 triệu đồng/năm (lãnh đạo Văn phòng), thấp nhất là 42,5 triệu đồng/năm (hợp đồng lao động theo Nghị định 68/CP).

6 . Đánh giá chung

6.1. Ưu điểm

- Tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động, ứng dụng tốt công nghệ thông tin trong điều hành công việc; tổ chức họp Quốc hội trực tuyến (đợt 1) tại kỳ họp thứ Chín và thứ Mười; phát huy tốt công tác phối hợp tổ chức thực hiện các kỳ họp trực tuyến.

- Công tác xây dựng pháp luật đã được Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh quan tâm phối hợp với lãnh đạo các sở, ban ngành chức năng tổ chức lấy ý kiến các dự án luật bằng các hình thức như tổ chức hội nghị, lấy ý kiến đóng góp bằng văn bản,... việc lấy ý kiến chú trọng hơn đến nhóm đối tượng chịu sự điều chỉnh của các dự án luật, các tổ chức, cá nhân, các chuyên gia, nhất là đối với các dự án luật chuyên ngành.

- Công tác tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ Chín, thứ Mười được đổi mới phù hợp giãn các xã hội, phòng chống dịch covid-19 hiệu quả. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp tiến hành phát phiếu lấy ý kiến cử tri tại 100% số xã, phường, thị trấn, được cử tri phản ánh nhiều ý kiến, kiến nghị đến Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp.

- Hoạt động giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh được thực hiện đúng chương trình, kế hoạch đề ra và đáp ứng theo yêu cầu của Nghị quyết giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Qua giám sát, Đoàn ĐBQH có kiến nghị một số vấn đề liên quan đến thẩm quyền Trung ương và địa phương.

- Công tác tiếp công dân và xử lý đơn thư phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân là công việc thường xuyên luôn được lãnh đạo Đoàn quan tâm, xem xét giải quyết và chuyển cơ quan thẩm quyền giải quyết theo quy định.

- Đoàn ĐBQH tỉnh thường xuyên duy trì tốt mối quan hệ phối hợp hoạt động với Thường trực HĐND, UBND, Ban Thường trực UBMTTQVN tỉnh, các cơ quan liên quan và các cơ quan thông tấn báo chí trong các hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội.

- Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội bám sát chương trình hoạt động của Đoàn ĐBQH và chức năng nhiệm vụ được giao đã chủ động tham mưu, đề xuất giải quyết công việc kịp thời, từng bước nâng cao chất lượng; đội ngũ công chức và người lao động luôn có ý thức trách nhiệm, năng động sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ được giao.

6.2. Hạn chế

- Do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến rất phức tạp, nên việc tổ chức lấy ý kiến đóng góp đối với các dự thảo luật chủ yếu bằng hình thức gửi văn bản lấy ý kiến nên chưa ghi nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các tổ chức và các chuyên gia.

- Công tác giám sát chỉ thực hiện giám sát chuyên đề theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; ít tổ chức các cuộc giám sát chuyên đề tại địa phương do số đại biểu Quốc hội ít và tỉnh đang tập trung chỉ đạo tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp trong năm 2020.

- Việc xử lý đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo của công dân đôi lúc chưa được kịp thời, đơn của công dân ngoài tỉnh chiếm tỷ lệ khá cao. Đa phần đơn (có nội dung trùng lặp, gửi nhiều nơi, nhiều lần) đang được cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết hoặc đã được giải quyết theo đúng quy định của pháp luật nhưng công dân tiếp tục gửi đơn khiếu nại, tố cáo đến Đoàn ĐBQH nên phải được phân loại, xử lý gây tốn kém thời gian.

- Một vài công chức Văn phòng thiếu an tâm công tác do tác động ảnh hưởng chuẩn bị sắp xếp, tách nhập bộ máy Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND sắp tới (ảnh hưởng đến chế độ, chính sách về thu nhập tăng thêm và thực hiện khoán chi sẻ giảm).

Phần thứ hai

PHƯƠNG HƯỚNG NHIỆM VỤ NĂM 2021

Căn cứ chương trình hoạt động năm của Quốc hội, chỉ đạo của Tỉnh ủy và của lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh. Trên cơ sở thực tế ở địa phương, tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang đề ra phương hướng nhiệm vụ chủ yếu năm 2021, như sau:

1. Về công tác đóng góp xây dựng Luật, Nghị quyết

Phối hợp cùng với chính quyền địa phương tổ chức cho các vị đại biểu Quốc hội tham gia đóng góp ý kiến các dự thảo Luật; tham dự các Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận về một số dự án luật theo chương trình xây dựng luật, pháp luật năm 2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đồng thời tham mưu, cho lãnh đạo Đoàn ĐBQH tỉnh xây dựng báo cáo tổng hợp ý kiến đóng góp các dự thảo Luật báo cáo về Văn phòng Quốc hội đảm bảo về thời gian theo quy định.

2. Về hoạt động giám sát

Tổ chức thực hiện các hoạt động giám sát chuyên đề theo Nghị quyết của Quốc hội; các vị ĐBQH tham gia các hoạt động giám sát theo chương trình, kế hoạch của Quốc hội và các Ủy ban của Quốc hội mà các địa biểu là thành viên.

Tổ chức giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến tại các kỳ họp Quốc hội; giám sát việc giải quyết đơn thư, khiếu nại tố cáo của công dân.

Phối hợp với Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thi hành Hiến pháp, Luật, Nghị quyết của Quốc hội, Hội đồng nhân tỉnh. Tạo điều kiện cho các vị đại biểu Quốc hội cùng phối hợp tham gia giám sát các chuyên đề tại địa phương theo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh.

3. Công tác dân nguyện

a) Về hoạt động tiếp công dân và giám sát việc xử lý đơn thư, phản ánh, kiến nghị của cử tri

Tổ chức và duy trì công tác tiếp công dân tại trụ sở Đoàn đại biểu Quốc hội và Trụ sở tiếp công dân tỉnh. Xây dựng kế hoạch để các vị đại biểu Quốc hội luân phiên tiếp công dân định kỳ theo quy định. Kịp thời xử lý đơn thư, phản ánh, kiến nghị của cử tri gửi đến theo quy định.

Có kế hoạch tổ chức giám sát đối với một số vụ việc đã gửi đến các cơ quan thuộc thẩm quyền nhưng chưa có thông báo kết quả xử lý theo yêu cầu của Đoàn đại biểu Quốc hội hoặc chọn giám sát một số vụ việc gây bức xúc trong Nhân dân.

Tổ chức kiểm tra, đôn đốc việc giải quyết phản ánh, kiến nghị đối với các Bộ, ngành, Trung ương và chính quyền địa phương.

b) Hoạt động tiếp xúc cử tri

Đoàn ĐBQH có kế hoạch phối hợp Ban Thường trực UBMTTQVN tỉnh, Ủy ban bầu cử tỉnh  tổ chức cho các ứng cử viên ứng cử ĐBQH khóa XV ra mắt cử tri tại các địa bàn ứng cử. Tổ chức tiếp xúc cử tri theo định kỳ trước và sau kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV theo địa bàn tiếp xúc cử tri chuyên đề, lĩnh vực, nhóm đối tượng mà đại biểu quan tâm.

Tổng hợp phân loại các ý kiến, kiến nghị của cử tri qua các cuộc TXCT một cách đầy đủ, trung thực và kịp thời gửi đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết; đồng thời theo dõi, đôn đốc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri theo quy định.

4. Một số hoạt động khác

Phối hợp với Đài Phát tranh – Truyền hình tỉnh; Báo Hậu Giang tổ chức tuyên truyền kỷ niệm 75 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên (06/01/1946 – 06/01/2021) tiến tới chào mừng Bầu cử Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân 3 cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; Tổ chức Hội nghị tổng kết nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV của Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang (dự kiến trong tháng 3/2021) đảm bảo trang trọng, thiết thực, tiết kiệm, hiệu quả.

Tham dự Hội nghị đại biểu chuyên trách, Hội nghị chuyên đề do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức. Tạo điều kiện thuận lợi và tổ chức cho các vị đại biểu Quốc hội tham gia các Đoàn khảo sát, giám sát, các cuộc hội nghị, hội thảo, tập huấn kỹ năng do Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan trực thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức và tham dự các hội nghị do địa phương tổ chức.

Giữ mối liên hệ chặt chẽ trong công tác với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, Thường trực Tỉnh ủy, Thường trực Hội đồng nhân dân, lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các cơ quan thông tin truyền thông,… nhằm bảo đảm thực hiện tốt các hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội và hoạt động của các vị đại biểu Quốc hội.

Quan tâm thực hiện công tác an sinh xã hội, tổ chức thăm tặng quà các gia đình chính sách, các vị đại biểu Quốc hội qua các thời kỳ của tỉnh, thăm chúc tết các cơ quan, đơn vị trong và ngoài tỉnh,... đặc biệt là việc phối hợp với Tập đoàn VinGroup tặng 1.000 phần quà cho các hộ nghèo tại các đơn vị TP. Vị Thanh; TX. Long Mỹ, huyện Long Mỹ và huyện Vị Thủy nhân dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021.

Tham mưu cho Trưởng Đoàn ĐBQH về xây dựng Đề án tổ chức, nhân sự trong việc sáp nhập Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Hậu Giang theo tinh thần Nghị quyết số 1004/2020/UBTVQH14 ngày 18/9/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Chỉ đạo Văn phòng tham mưu, phục vụ kịp thời việc tổ chức Hội nghị lấy ý kiến các dự thảo luật theo yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; tham mưu, tổ chức phục vụ Đoàn giám sát và tổng hợp báo cáo sau giám sát theo quy định; tổng hợp, báo cáo các hoạt động của đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội; đảm bảo phương tiện phục vụ hoạt động của các vị đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội; chuẩn bị các điều kiện và cử công chức phục vụ Đoàn đại biểu Quốc hội tham dự các kỳ họp Quốc hội trong năm 2021 tại Hà Nội. Thực hiện tốt quy trình tiếp nhận văn bản đến, tham mưu ban hành văn bản đi kịp thời; bảo quản tài liệu, thông tin đúng quy định; đảm bảo trực bảo vệ cơ quan 24/24, phòng chống cháy nổ và giữ gìn tài sản cơ quan.

Trên đây là kết quả hoạt động năm 2020 và phương hướng nhiệm vụ năm 2021 của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang./. 

 

[1]  Tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP là 4,53%; GRDP bình quân đầu người đạt 52,6 triệu đồng; có 32/51 xã đạt chuẩn nông thôn mới; có 03 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

[2] Thăm, chúc Tết và tặng quà cho các vị ĐBQH các khóa, Mẹ Việt Nam anh hùng với số tiền 29.500.000 đồng; tổ chức tặng 100 phần quà (quà được tài trợ từ Công ty xổ số kiến thiết tỉnh Hậu Giang) cho các gia đình Công đoàn viên gặp khó khăn của huyện Long Mỹ, huyện Vị Thủy và các gia đình khó khăn tại phường III, phường IV, phường VII, thành phố Vị Thanh với tổng trị giá 50.000.000 đồng (Năm mươi triệu đồng); thăm gia đình chính sách nhân kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2020) với tổng số tiền là 13.640.000 đồng.

[3]  Cử 01 công chức tham gia bảo vệ luận văn tốt nghiệp cao học luật tại Trường Đại học Trà Vinh, 01 công chức học Cao cấp lý luận chính trị hệ tập trung tại Học viện Chính trị khu vực IV, thành phố Cần Thơ, 02 lượt công chức tham dự các lớp tập huấn về công tác chuyên môn do Văn phòng Quốc hội tổ chức; 01 công chức tham gia lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh đối tượng 4.

* Để xem thêm chi tiết, tải về tại đây
1. Phụ lục kem BC nam 2020.doc_20211117091354.doc

Bạn chưa có đủ quyền truy nhập portlet này.