Xem chi tiết tin - ĐOÀN ĐBQH VÀ HĐND TỈNH HẬU GIANG - ĐẠI BIỂU NHÂN DÂN TỈNH HẬU GIANG

 

Báo cáo tổng hợp ý kiến đóng góp dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi)

Ngày 14-12-2021

Thực hiện Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2021 của Quốc hội. Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang tổ chức lấy ý kiến đóng góp dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), có 07 lượt ý kiến đóng góp. Đa số ý kiến tán thành nội dung quy định của Luật; đánh giá cao tiếp thu chỉnh lý, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Xin tổng hợp báo cáo như sau:

1. Các hành vi bị nghiêm cấm (Điều 10)

Các hành vi bị nghiêm cấm được quy định tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy việc chào bán, giới thiệu, quảng cáo về bảo hiểm diễn ra bằng nhiều hình thức và thực hiện liên tục (điện thoại, tin nhắn hoặc mạng xã hội, trực tiếp…) gây phiền hà đến người được chào bán, giới thiệu. Vì vậy, đề xuất nên bổ sung vào điều này “Nghiêm cấm hành vi quấy nhiễu, làm phiền khách hàng khi thực hiện hoạt động kinh doanh bảo hiểm”.

2. Hợp đồng bảo hiểm (Điều 12)

Khoản 2, quy định doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm có thể “Kết hợp các loại hợp đồng bảo hiểm trong một hợp đồng bảo hiểm được quy định tại Khoản 1, Điều này”. Quy định này có thể hiểu, doanh nghiệp bảo hiểm có thể ký kết hợp đồng bảo hiểm con người và hợp đồng bảo hiểm tài sản và thiệt hại trong cùng một hợp đồng. Như vậy, thì doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ có thể cung cấp cả sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ. 

Theo quy định tại Khoản 3, Điều 67 của Luật thì “Doanh nghiệp bảo hiểm không được phép kinh doanh đồng thời bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm phi nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe” và có một số trường hợp ngoại lệ được liệt kê cụ thể. Như vậy, việc kết hợp các loại hợp đồng bảo hiểm trên có thể thực hiện trong các trường hợp ngoại lệ quy định tại Khoản 3, Điều 67.

Để đảm bảo tính rõ ràng và thống nhất giữa các quy định, đề nghị quy định rõ hơn việc kết hợp các loại hợp đồng bảo hiểm trong một hợp đồng bảo hiểm áp dụng trong các trường hợp được liệt kê ở Khoản 3, Điều 67 của Luật.

3. Điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm (Điều 16)

Khoản 3, quy định “Không áp dụng điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm trong trường hợp bên mua bảo hiểm có lý do bất khả kháng trong việc chậm thông báo cho doanh nghiệp bảo hiểm về việc xảy ra sự kiện bảo hiểm”.

Thời gian thông báo về sự kiện bảo hiểm không có liên quan đến việc áp dụng điều khoản loại trừ bảo hiểm. Bất kể bên mua bảo hiểm có thông báo sớm hay muộn về sự kiện bảo hiểm (nếu vẫn trong thời hạn thông báo về sự kiện bảo hiểm theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm). Dù với bất kỳ lý do gì, mà sự kiện bảo hiểm rơi vào các trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm thì doanh nghiệp bảo hiểm cũng không chi trả cho các sự kiện này. Do đó, việc quy định không áp dụng điều khoản loại trừ trong trường hợp bên mua bảo hiểm có lý do bất khả kháng khi chậm thông báo về sự kiện bảo hiểm là chưa phù hợp với quy định pháp luật. Nên đề nghị bỏ quy định này.

4. Hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm (Điều 19)

Doanh nghiệp bảo hiểm có quyền hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm, không phải bồi thường, trả tiền bảo hiểm….”. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 427, Bộ Luật Dân sự thì “Khi hợp đồng bị hủy bỏ thì hợp đồng không có hiệu lực từ thời điểm giao kết, các bên không phải thực hiện nghĩa vụ đã thỏa thuận, trừ thỏa thuận về phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại và thỏa thuận về giải quyết tranh chấp. Các bên phải hoàn trả cho nhau những gì đã nhận, sau khi trừ chi phí hợp lý trong thực hiện hợp đồng và chi phí bảo quản, phát triển tài sản”. Do đó, việc quy định doanh nghiệp không hoàn lại phí bảo hiểm cho bên mua bảo hiểm khi hủy bỏ hợp đồng là chưa phù hợp trái với quy định tại Bộ luật Dân sự 2015, đề nghị nên nghiên cứu lại quy định này.

5. Hợp đồng bảo hiểm vô hiệu (Điều 22)

Điểm b, Khoản 1 quy định “Tại thời điểm giao kết hợp đồng, đối tượng bảo hiểm không tồn tại” là một trong các trường hợp hợp đồng bảo hiểm vô hiệu.

Quy định này không rõ ở điểm “đối tượng bảo hiểm không tồn tại” được hiểu là “không có đối tượng bảo hiểm” hay là “đối tượng bảo hiểm không tồn tại về mặt vật lý”. Nếu được hiểu “không có đối tượng bảo hiểm” thì quy định hợp đồng vô hiệu là hợp lý, nhưng “đối tượng bảo hiểm không tồn tại về mặt vật lý” lại là chưa phù hợp. Bởi vì, những tài sản hình thành trong tương lai (ví dụ: Nhà ở) cũng được xem là một loại tài sản được bảo hiểm. Tại thời điểm giao kết hợp đồng, nhà ở chưa hề tồn tại (về mặt vật lý).

Vì vậy, đề nghị điều chỉnh lại quy định này để đảm bảo tính rõ ràng và phù hợp khi xác định các trường hợp hợp đồng vô hiệu. 

Khoản 2, quy định về hợp đồng bảo hiểm vô hiệu từng phần. Quy định này tương tự với quy định tại Điều 130 của Bộ Luật Dân sự 2015. Vì vậy, không cần thiết phải quy định lại như trong Luật sẽ trùng với nội dung quy định của Bộ Luật Dân sự 2015 vậy nên áp dụng chung theo quy định của Bộ luật dân sự 2015 cho phù hợp.

6. Hậu quả pháp lý của việc đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm (Điều 24)

Khoản 4, thì bên mua bảo hiểm nhân thọ không phải đóng đủ phí bảo hiểm đến thời điểm chấm dứt hợp đồng bảo hiểm trong trường hợp đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm. Quy định này chưa hợp lý, chưa bảo đảm sự công bằng với các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ. Bởi vì, nếu xảy ra sự kiện bảo hiểm trong thời gian gia hạn đóng phí, doanh nghiệp vẫn phải chịu trách nhiệm trả tiền bảo hiểm trong khi không được thu phí bảo hiểm. Lợi nhuận của doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ngày càng chịu áp lực của việc cạnh tranh, lãi suất giảm. Đặc biệt, với các sản phẩm bảo hiểm mang tính bảo vệ đơn thuần, việc không được thu phí bảo hiểm trong thời gian gia hạn đóng phí sẽ tác động tiêu cực đối với các doanh nghiệp.

Từ những phân tích trên, đề nghị bỏ quy định tại Khoản 4 Điều này.

7. Người thụ hưởng (Điều 39)

Khoản 2, quy định “Đối với người được bảo hiểm chưa thành niên, hoặc bị mất năng lực hành vi dân sự, hoặc người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ năng lực hành vi, hoặc người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự thì người đại diện theo pháp luật hoặc người giám hộ của họ có thể chỉ định người thụ hưởng”.

Theo quy định tại Khoản 23, Điều 3 thì “Người thụ hưởng là tổ chức, cá nhân được bên mua bảo hiểm chỉ định để nhận tiền bảo hiểm theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm, trừ trường hợp hợp đồng bảo hiểm nhóm”. Như vậy, Khoản 2 quy định người đại diện theo pháp luật hoặc người giám hộ có quyền chỉ định người thụ hưởng là chưa phù hợp với quy định tại Khoản 23 Điều 3 của Luật, cho thấy quyền này thuộc về người mua bảo hiểm.

Đề nghị viết lại Khoản 2 như sau “Đối với người được bảo hiểm chưa thành niên, hoặc mất năng lực hành vi dân sự hoặc người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ năng lực hành vi hoặc người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự thì bên mua bảo hiểm phải có sự đồng ý của người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật của người được bảo hiểm khi chỉ định người thụ hưởng”.

8. Hồ sơ xin cấp giấy phép thành lập và hoạt động (Điều 71)

Khoản 3, quy định nội dung trong phương án hoạt động năm năm đầu phải có “hiệu quả kinh doanh”, “lợi ích kinh tế của việc thành lập doanh nghiệp”. Đây là các nội dung rất khó để đánh giá tại thời điểm xin cấp giấy phép thành lập hoặc cũng không rõ cơ quan cấp phép sẽ đánh giá các nội dung này dựa vào tiêu chí gì. Vì vậy, đề nghị bỏ nội dung quy định tại Khoản 3.

9. Thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động (Điều 75)

Điểm đ, Khoản 1, quy định doanh nghiệp bảo hiểm bị thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động “Sau khi Thẩm phán chỉ định Quản tài viên hoặc doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản trong trường hợp doanh nghiệp làm thủ tục phá sản”.

Quy định này cần được xem xét lại ở điểm: Theo quy định tại Luật Phá sản 2014 thì khi doanh nghiệp đang trong giai đoạn mở thủ tục phá sản (Tòa án thụ lý Đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản cho đến trước khi Tòa án tuyên bố doanh nghiệp phá sản) vẫn tiến hành hoạt động kinh doanh dưới sự giám sát của Quản tài viên hoặc doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản. Việc thu hồi Giấy phép thành lập và hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm sau khi Thẩm phán chỉ định Quản tài viên hoặc doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản (tức là ở giai đoạn sau khi quyết định mở thủ tục phá sản) là chưa phù hợp, khiến cho doanh nghiệp không thể tiếp tục hoạt động được trong giai đoạn này.

Đề nghị sửa lại quy định trên theo hướng thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động sau khi Tòa án tuyên bố doanh nghiệp bảo hiểm phá sản.

10. Những thay đổi phải được chấp thuận hoặc phải thông báo (Điều 76)

Điểm a, Khoản 2, quy định doanh nghiệp bảo hiểm phải thông báo cho Bộ Tài chính khi “thay đổi điều lệ hoạt động”.

Việc yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm phải thông báo trước khi thay đổi Điều lệ sẽ chỉ làm gia tăng gánh nặng về thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp, đi ngược lại với định hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính của Việt Nam và cũng không thống nhất với quy định của Luật Doanh nghiệp.

Điều lệ của doanh nghiệp là văn bản ghi nhận các nguyên tắc tạo lập, hoạt động và giải thể của một doanh nghiệp, trong đó có nhiều quy định mang tính chất quản lý nội bộ của doanh nghiệp. Luật Doanh nghiệp hiện hành cho phép các doanh nghiệp được tự chủ trong việc sửa đổi Điều lệ mà không cần phải đăng ký/thông báo, trừ trường hợp thay đổi chủ sở hữu. Đối với doanh nghiệp bảo hiểm, các thay đổi quan trọng đã phải thực hiện các thủ tục xin phê duyệt từ Bộ Tài chính. Do đó, việc yêu cầu thông báo trước khi thay đổi Điều lệ là không thực sự cần thiết. Do đó, đề nghị bỏ quy định này.

11. Cơ cấu tổ chức quản lý của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm (Điều 83)

Khoản 2, quy định “Cơ cấu tổ chức quản lý của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm được thành lập dưới hình thức Công ty trách nhiệm hữu hạn bao gồm Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc (Giám đốc), Ban kiểm soát”.

Đề nghị bỏ quy định bắt buộc phải có Ban Kiểm soát đối với trường hợp Công ty TNHH tại Khoản 2. Bởi vì, Luật doanh nghiệp 2020 chỉ quy định bắt buộc có Ban Kiểm soát đối với công ty TNHH là doanh nghiệp nhà nước còn “trường hợp khác do công ty quyết định” (Điều 54 và Điều 79 Luật doanh nghiệp 2020).

12. Kiểm toán nội bộ (Điều 88)

Khoản 1, quy định “Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm được thành lập dưới hình thức Công ty trách nhiệm hữu hạn, Công ty cổ phần phải thành lập bộ phận kiểm toán nội bộ trực thuộc Hội đồng quản trị (Hội đồng thành viên)”.

Theo Luật doanh nghiệp, kiểm toán nội bộ có thể được giám sát, đánh giá bởi Hội đồng quản trị (Hội đồng thành viên), Ủy ban Kiểm toán hoặc Ban Kiểm soát tùy theo từng loại mô hình hoạt động doanh nghiệp. Ủy ban Kiểm toán giám sát hoạt động của doanh nghiệp giúp Hội đồng quản trị (Hội đồng thành viên), và Ban Kiểm soát giám sát Hội đồng quản trị (Hội đồng thành viên) và hoạt động của doanh nghiệp giúp Chủ sở hữu.

Theo doanh nghiệp trên thực tế, bộ phận Kiểm toán nội bộ trực thuộc Ban kiểm soát hoặc Ủy ban kiểm toán là mô hình tối ưu. Mô hình đó giúp cho bộ phận Kiểm toán nội bộ và Ban Kiểm soát/ Ủy ban Kiểm toán phát huy tối đa chức năng và vai trò của mình. Đề nghị điều chỉnh quy định trên để đảm bảo tính hợp lý.

13. Phá sản doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm (Điều 103)

Khoản 2, quy định “Khi nhận được yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm theo quy định tại Khoản 1 Điều này, Tòa án mở thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản và áp dụng ngay thủ tục thanh lý tài sản của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm”. 

Quy định này cần được xem xét ở một số vấn đề sau:

Theo quy định của Luật Phá sản 2014 thì thủ tục thanh lý tài sản của doanh nghiệp sẽ được thực hiện sau khi có quyết định tuyên bố phá sản doanh nghiệp của Tòa án. Theo quy định tại Khoản 2 thì thủ tục thanh lý tài sản lại thực hiện sau khi “Tòa án mở thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản” là chưa phù hợp.

Quy định tại Khoản 2, được hiểu là quy định thủ tục phá sản riêng biệt đối với doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm so với các doanh nghiệp khác theo quy định tại Luật Phá sản 2014. Tuy nhiên, Luật Phá sản 2014 lại không quy định về trình tự riêng đối với doanh nghiệp bảo hiểm mà chỉ quy định cho tổ chức tín dụng. Như vậy, quy định này cần phải được xem xét để đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật về phá sản.

Đề nghị xem xét các vấn đề trên nhằm đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật. 

14. Nội dung hợp đồng đại lý bảo hiểm (Điều 118)

Điều 118 của Luật quy định về các nội dung chủ yếu của hợp đồng đại lý bảo hiểm. Các nội dung này có trong bất kì một hợp đồng đại lý của các ngành nghề khác. Vì vậy, không có tính đặc thù, có thể áp dụng quy định của Bộ Luật Dân sự 2015 và Luật Thương mại và không nên quy định tại Luật này. Đề nghị bỏ quy định tại Điều 118 là phù hợp.

Trên đây là tổng hợp ý kiến đóng góp dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang./.