Chiều ngày 22/10/2024, tại Phòng Diên Hồng, Nhà Quốc hội, Quốc hội đã tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi).
Bà Lê Thị Thanh Lam - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang tham gia một số ý kiến như sau:
Thứ nhất, tại Điều 7 quy định về thông tin, tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống mua bán người. Đề nghị bổ sung thêm nội dung tuyên truyền về “Các biện pháp xử lý hành chính hoặc hình sự đối với tội phạm mua bán người”, để tăng cường tính răn đe đối với các đối tượng sẽ, đã hoặc đang có hành vi mua bán người; nhằm nâng cao hiểu biết và nhận thức của cộng đồng về những biện pháp, hình phạt mà người có hành vi phải chịu nếu thực hiện hành vi mua bán người.
Thứ hai, tại Khoản 5 Điều 9 về quản lý về an ninh, trật tự quy định “Quản lý chặt chẽ mạng Internet, mạng viễn thông, mạng máy tính để phòng, chống mua bán người”. Đề nghị nghiên cứu bổ sung công tác thanh tra, kiểm tra trong việc quản lý để đảm bảo phù hợp và chặt chẽ hơn.
Thứ ba, tại Khoản 2 Điều 18 về trách nhiệm của cơ quan báo chí, thông tấn tham gia phòng ngừa mua bán người quy định “Giữ bí mật thông tin về nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”. Quy định này tôi nghĩ không cần thiết, vì theo quy định tại Khoản 5 Điều 9 Luật Báo chí có quy định cấm “Tiết lộ thông tin thuộc danh Mục bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác theo quy định của pháp luật”. Đề nghị bỏ nội dung khoản 2 Điều này, vì nếu quy định vào luật sẽ trùng nội dung quy định tại Khoản 5 Điều 9 Luật Báo chí.
Thứ tư, tại Khoản 2 Điều 27 về tiếp nhận, xác minh người đến trình báo là nạn nhân. Đề nghị thay thời hạn chậm nhất 03 ngày thành 24 giờ sau khi nhận được thông báo để lực lượng chức năng thực hiện tiếp nhận, hỗ trợ, qua đó đảm bảo tính kịp thời. Đồng thời, đề nghị quy định trường hợp khẩn cấp thì gọi điện báo về việc mua bán người đến Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em (Tổng đài 111), đồng thời bổ sung quy định gắn với trách nhiệm Tổng đài 111 vào dự thảo Luật vì phần lớn trẻ em là nạn nhân của việc mua bán người.
Thứ năm, tại Điều 28 về tiếp nhận, xác minh nạn nhân được giải cứu. Đề nghị bổ sung thêm quy định về địa chỉ tiếp nhận chuyển tuyến đối với nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân ngoài cơ quan quản lý nhà nước như các cơ sở bảo trợ xã hội hoặc trung tâm trợ giúp xã hội để nâng cao hiệu quả trợ giúp nạn nhân bị mua bán người. Do quy định như dự thảo đối với việc chuyển tuyến nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân theo dự thảo Luật chỉ tới một đầu mối duy nhất là Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, nên mở rộng cơ sở tiếp nhận nạn nhân hoặc người đang trong quá trình xác nhận là nạn nhân mua bán người như: Ngôi nhà bình yên của Hội LHPN Việt Nam hoặc địa chỉ tin cậy khác, như hỗ trợ cuộc sống thì giao cho Lao động - Thương binh và Xã hội.
Thứ sáu, tại Khoản 1 Điều 44 về trợ cấp khó khăn ban đầu, hỗ trợ vay vốn quy định “Nạn nhân khi trở về nơi cư trú được hỗ trợ một lần tiền trợ cấp khó khăn ban đầu”. Theo quy định hiện hành chưa có văn bản nào quy định mức tiền trợ cấp cho đối tượng này là bằng bao nhiêu nên không có cơ sở áp dụng thực hiện khi luật có hiệu lực thi hành. Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung 01 khoản quy định “giao Chính phủ quy định chi tiết điều này” để có cơ sở áp dụng thực hiện khi luật có hiệu lực thi hành.
Mỹ Xuyên