Chiều ngày 09/5/2025, tại Phòng Diên Hồng, Nhà Quốc hội, Quốc hội đã tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số. Đồng chí Lê Thị Thanh Lam - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang tham gia một số ý kiến như sau:
Đồng chí Lê Thị Thanh Lam - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang tham gia một số ý kiến
Về hợp tác quốc tế về công nghiệp công nghệ số (Điều 6): Đề nghị bổ sung một khoản quy định về cơ chế thu hút đầu tư nước ngoài để phát triển công nghiệp công nghệ số tại Việt Nam. Trong đó, cần thành lập bộ phận phụ trách đầu tư nước ngoài về công nghiệp công nghệ số, thuộc Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Tài chính, nhằm mục đích trở thành đầu mối chính làm việc với nhà đầu tư nước ngoài về công nghiệp công nghệ số, hỗ trợ cung cấp thông tin về ngành, chính sách, các ưu đãi của Chính phủ, giải đáp thắc mắc của nhà đầu tư, cũng như là cầu nối giữa nhà đầu tư và địa phương.
Về các hành vi bị nghiêm cấm trong công nghiệp công nghệ số (Điều 11): Tại Khoản 6, đề nghị xem xét viết lại như sau: “Cản trở hoạt động hợp pháp hoặc hỗ trợ hoạt động bất hợp pháp công nghiệp công nghệ số của tổ chức, cá nhân”. Đề nghị bổ sung một khoản quy định: “Đánh cắp, tiết lộ trái phép thông tin bí mật, phát tán virus, phần mềm độc hại”.
Về hoạt động công nghiệp công nghệ số (Điều 12): Tại Khoản 2, đề nghị bổ sung thêm một điểm quy định: “Kinh doanh sản phẩm dịch vụ công nghệ số”.
Về sản phẩm, dịch vụ công nghệ số hạn chế chuyển giao (Điều 14): Đề nghị bổ sung thêm một khoản quy định: Tổ chức, cá nhân Việt Nam bán, xuất khẩu, chuyển giao sản phẩm, dịch vụ công nghệ số bị hạn chế chuyển giao hoặc quyền sở hữu sản phẩm, dịch vụ này khi chuyển giao cho đối tác nước ngoài phải được chấp thuận bởi Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ. Việc quy định như trên là phù hợp thực tế nếu các tổ chức, cá nhân muốn chuyển giao sản phẩm công nghệ số bị hạn chế cho đối tác thì cần phải được sự đồng ý của của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.
Về thúc đẩy nghiên cứu và phát triển sản phẩm, dịch vụ công nghệ số (Điều 15): Khoản 3, tôi đề nghị thay cụm từ “ưu tiên” thành “khuyến khích”, “tạo điều kiện thuận lợi” cho phù hợp thực tế. Bởi vì, hiện nay các đề tài khoa học cấp cơ sở được thực hiện qua hình thức xét chọn, do đó nếu ưu tiên hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ số đăng ký các đề tài khoa học thì sẽ gây bất cập, vướng mắc.
Về phát triển bền vững trong công nghiệp công nghệ số (Điều 34):
- Khoản 1, đề nghị bổ sung cụm từ “Đồng thời đáp ứng được các yêu cầu về kinh tế, xã hội, đảm bảo sự phát triển bền vững cho thế hệ hiện tại và tương lai” vào sau cụm từ “thân thiện với môi trường”. Sau khi hoàn thiện: “1. Nhà nước có cơ chế hỗ trợ, ưu tiên áp dụng các quy trình tái sử dụng, tái chế, tái sản xuất, sửa chữa và chia sẻ nhằm tạo ra các vòng lặp kín cho tài nguyên sử dụng trong hoạt động công nghiệp công nghệ số, giúp bảo tồn nguồn tài nguyên và làm giảm các tác động ô nhiễm đến môi trường; có cơ chế ưu tiên thuê, mua sắm, đặt hàng đối với sản phẩm, dịch vụ công nghệ số thân thiện với môi trường. Đồng thời đáp ứng được các yêu cầu về kinh tế, xã hội, đảm bảo sự phát triển bền vững cho thế hệ hiện tại và tương lai”.
- Khoản 2, đề nghị bổ sung một điểm quy định: “Bảo vệ dữ liệu cá nhân của khách hàng không bị lộ, lọt thông tin hoặc sử dụng trái phép dữ liệu cá nhân của khách hàng”.
Về quản lý hệ thống trí tuệ nhân tạo (Điều 46): Khoản 1 quy định: Hệ thống trí tuệ nhân tạo rủi ro cao là hệ thống trí tuệ nhân tạo có khả năng gây ra những rủi ro, tổn hại nghiêm trọng tới sức khỏe con người, quyền và lợi ích của con người, lợi ích công cộng và trật tự, an toàn xã hội, trừ hệ thống trí tuệ nhân tạo quy định tại khoản 2 Điều này. Tôi cho rằng quy định tại khoản 1 không đưa ra được như thế nào là rủi ro, tổn hại đến sức khỏe, sự an toàn, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân. Chưa đưa ra được giới hạn cụ thể về khả năng tác động, số lượng người dùng, lượng tính toán tích lũy để huấn luyện, định nghĩa về hệ thống trí tuệ nhân tạo có rủi ro cao được quy định như trên chưa cụ thể, chưa rõ ràng, dẫn đến khó triển khai thực hiện khi Luật có hiệu lực thi hành. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc không nên điều chỉnh các công nghệ một cách cụ thể (ví dụ như công nghệ trí tuệ nhân tạo) mà nên tập trung vào quản lý việc sử dụng các công nghệ đó. Đề nghị cần xác định rõ ràng các tiêu chí để xác định hệ thống trí tuệ nhân tạo có rủi ro cao và chỉ nên được hạn chế ở một số hệ thống trí tuệ nhân tạo nâng cao hoặc tiến tiến. Đồng thời cần tham khảo quy định quốc tế về tiêu chuẩn.
Về trách nhiệm các chủ thể trong hoạt động phát triển, cung cấp, phát triển và sử dụng hệ thống trí tuệ nhân tạo (Điều 48): Khoản 3 Hiện tại các nghĩa vụ được quy định tại các điểm d, đ và điểm e đặt ra trách nhiệm giám sát rất nặng nề đối với nhà phát triển hệ thống trí tuệ nhân tạo, điều này có thể là không khả thi trên thực tế gây cản trở cho hoạt động kinh doanh. Đặc biệt, trong trường hợp các nhà phát triển hệ thống trí tuệ nhân tạo sử dụng công nghệ có mã nguồn mở, họ sẽ không ở vị trí phù hợp về mặt kỹ thuật để tuân thủ đầy đủ các nghĩa vụ nói trên. Đồng thời bên cạnh các nghĩa vụ nêu trên liên quan đến dữ liệu thông tin cá nhân, nhà phát triển hệ thống trí tuệ nhân tạo còn có nghĩa vụ bảo vệ quyền riêng tư, thông tin cá nhân; giải quyết kịp thời các tra cứu, sao chép, bổ sung, xóa thông tin cá nhân theo quy định pháp luật được quy định tại điểm b, khoản 1 điều này. Cả hai nghĩa vụ này đều có nội dung điều chỉnh vấn đề về dữ liệu cá nhân, vốn thuộc phạm vi điều chỉnh tại nghị định số 13/2023/NĐ-CP quy định về dữ liệu cá nhân, các nghĩa vụ này không thể phù hợp, mâu thuẩn với các quy định hiện hành. Từ những cơ sở nêu trên tôi đề nghị sửa đổi theo hướng loại bỏ các trách nhiệm liên quan đến dữ liệu cá nhân để tránh tình trạng trùng lập, mâu thuẩn với các quy định tại nghị định số 13/2023/NĐ-CP về dữ liệu cá nhân mà cụ thể là tại điểm d, điểm c khoản 1 Điều 67.
Đề nghị Ban soạn thảo cần thống nhất quy định đối tượng được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập cá nhân. Đối với thương mại điện tử và giao dịch điện tử, cần có quy định về quyền lợi người tiêu dùng khi mua bán trên nền tảng số. Bảo vệ các doanh nghiệp trong nước trước sự cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài; ngăn chặn tình trạng độc quyền nền tảng số, đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh. Quy định về chống thao túng dữ liệu và thuật toán nhằm kiểm soát quyền lực của các tập đoàn công nghệ lớn.
Mỹ Xuyên