Thực hiện Luật Tổ chức Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang tổ chức 08 điểm tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ Mười, Quốc hội khoá XIV tại các đơn vị bầu cử trong tỉnh, có 1.770 lượt cử tri tham dự và ghi nhận được 62 lượt ý kiến, kiến nghị. Xin tổng hợp báo cáo như sau:
1. Đánh giá về chất lượng Kỳ họp
Cử tri đánh giá cao nội dung kỳ họp thứ Mười, Quốc hội khóa XIV. Quốc hội tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin để họp trực tuyến nhiều ngày qua cầu truyền hình từ Nhà Quốc hội đến 63 Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Kỳ họp đã tiếp tục khẳng định rõ tinh thần đoàn kết dân tộc, nghị lực, quyết tâm cao để đưa đất nước vượt qua giai đoạn khó khăn, nhanh chóng phục hồi kinh tế và phát triển bền vững. Quốc hội đã dành phần lớn thời gian để xem xét, thông qua 07 Luật, 13 Nghị quyết, cho ý kiến về 04 dự án luật; xem xét các báo cáo về kinh tế - xã hội, tài chính, ngân sách, kiến nghị của cử tri, công tác tư pháp, công tác phòng, chống tham nhũng và nhiều báo cáo khác; góp ý kiến vào các dự thảo văn kiện trình Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Nhiều nguyện vọng chính đáng của cử tri đã được tiếp thu, nghiên cứu xử lý và trả lời thấu đáo; cử tri đánh giá cao việc các vị đại biểu Quốc hội luôn thể hiện tâm huyết, trách nhiệm, tranh luận sôi nổi, thẳng thắn chỉ ra được những khó khăn, bức xúc của đời sống - xã hội, đặc biệt làm rõ thêm những hạn chế, yếu kém, xác định trách nhiệm và có giải pháp khắc phục trong thời gian tới. Qua đó, cử tri phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của Chính phủ, của Đảng bộ tỉnh Hậu Giang trong nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIV đã có nhiều quyết sách quan trọng, tăng cường đối thoại, tháo gỡ khó khăn vướng mắc ở cơ sở để phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh, bảo đảm tốt an sinh xã hội.
2. Nội dung kiến nghị cụ thể
2.1. Ngày 12/11/2015, Chính phủ ban hành Nghị định số 118/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư, cụ thể tại trang 4 Phụ lục số II kèm theo Nghị định số 118/2015/NĐ-CP, đã liệt kê địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn của tỉnh Hậu Giang để được hưởng ưu đãi đầu tư bao gồm “toàn bộ các huyện và thị xã Ngã Bảy”. Nhưng trước đó, ngày 15/5/2015 Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 933/NQ-UBTVQH13 về điều chỉnh địa giới hành chính huyện Long Mỹ để thành lập thị xã Long Mỹ và 04 phường trực thuộc thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang, dẫn đến đơn vị thị xã Long Mỹ không nằm trong danh mục địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn của Nghị định số 118/2015/NĐ-CP. Nhằm giải quyết vướng mắc, tháo gỡ khó khăn của địa phương, kiến nghị Chính phủ xem xét bổ sung đơn vị thị xã Long Mỹ vào danh mục địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn để hưởng các chính sách ưu đãi đầu tư theo quy định.
2.2. Dự án mở rộng Quốc lộ 1A đoạn Cần Thơ - Phụng Hiệp (đoạn qua địa bàn huyện Chau Thành A, tỉnh Hậu Giang) được đầu tư và đưa vào sử dụng từ năm 2015, đã phát huy hiệu quả, giải quyết cơ bản tình trạng ùn tắc, giảm thiểu tai nạn giao thông, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, vẫn còn một số đoạn chưa được đầu tư hệ thống thoát nước dẫn đến ngập úng, gây cản trở cho việc lưu thông của các phương tiện tham gia giao thông và tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông. Kiến nghị Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo thầu BOT sớm đầu tư đồng bộ hệ thống cống thoát nước của Quốc lộ 1A nhằm giải quyết nguyên nhân ngập úng và giảm thiểu xảy ra tai nạn giao thông.
2.3. Cử tri là giáo viên bậc mầm non trên địa bàn thành phố Ngã Bảy tỉnh Hậu Giang phản ánh: Luật Giáo dục năm 2019 quy định trình độ chuẩn của giáo viên mầm non ít nhất là tốt nghiệp cao đẳng sư phạm và có lộ trình sẽ xếp lương theo vị trí việc làm tương ứng với trình độ chuyên môn thay cho việc xếp lương theo hạng chức danh nghề nghiệp. Tuy nhiên, trên thực tế giáo viên mầm non đã trúng tuyển đạt trình độ chuẩn theo quy định (Cao đẳng sư phạm mầm non hoặc có giáo viên đạt trình độ Đại học sư phạm mầm non) nhưng lại xếp lương theo hạng chức danh nghề nghiệp hạng thấp nhất (Hạng IV, hệ số lương 1.86) của bậc Trung cấp sư phạm mầm non được quy định tại Thông tư liên tịch số 20/2015/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 14/9/2015 của liên Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ; việc xếp lương như trên cho thấy không đúng chuẩn về đào tạo chuyên môn cho về vị trí việc làm (cao đẳng hoặc đại học). Kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan sớm giải quyết vấn đề này nhằm đảm bảo sự công bằng, thống nhất trong thực hiện pháp luật tạo điều kiện để giáo viên mầm non an tâm với nghề.
2.4. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm tới đời sống của những người nghỉ hưu, trong đó có người nghỉ hưu trước tháng 4/1993. Chính phủ đã nhiều lần điều chỉnh tăng lương hưu qua các giai đoạn, cho thấy đời sống của người nghỉ hưu từng bước được cải thiện. Tuy nhiên, vẫn còn sự chênh lệch về mức lương hưu của người hưởng lương hưu, khoảng 20% số người nghỉ hưu trước tháng 4/1993 có mức lương hưu dưới 2,5 triệu đồng/tháng, khoảng 57% số người nghỉ hưu trước tháng 4/1993 có mức lương hưu từ 2,5 triệu đồng/tháng đến dưới mức lương hưu bình quân, một bộ phận người nghỉ hưu trước tháng 4/1993 còn nhiều khó khăn. Đồng thời, việc điều chỉnh cùng tỷ lệ giữa những người có mức lương hưu thấp và người có mức lương hưu cao nên số tiền tuyệt đối tăng thêm là khác nhau, phát sinh chênh lệch về mức lương hưu giữa người nghỉ hưu trước và sau thời điểm điều chỉnh. Kiến nghị Chính phủ xem xét lại quy định này và điều chỉnh theo hướng chỉ tăng lương cho cán bộ hưu trí có mức lương hưu dưới 5 triệu đồng trên tháng.
Trên đây là báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri sau kỳ họp thứ Mười, Quốc hội khoá XIV của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang./.