Thực hiện Công văn số 4196/TTKQH-GS, ngày 18 tháng 01 năm 2021 của Tổng Thư ký Quốc hội về việc báo cáo tổng hợp hoạt động giám sát của các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội trong năm 2020. Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang tổng hợp báo cáo như sau:
I. Kết quả hoạt động giám sát năm 2020
1. Kết quả đạt được
a) Thực hiện chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội và chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Căn cứ chương trình giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang tổ chức, triển khai và thực hiện hoàn thành 01 cuộc giám sát chuyên đề tại địa phương đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, nội dung theo yêu cầu đặt ra. Cụ thể: Chuyên đề “Việc thực hiện các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên”.
b) Thực hiện quyền giám sát và phối hợp giám sát theo chức năng, nhiệm vụ
Tổ chức để các vị đại biểu Quốc hội thực hiện quyền giám sát thông qua hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ Chín, thứ Mười của Quốc hội.
Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tham gia cùng Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội giám sát chuyên đề việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH13 về đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.
Tổ chức theo dõi, giám sát việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri đối với các nội dung gửi Bộ, ngành Trung ương và chính quyền địa phương. Thực hiện quyền giám sát trực tiếp đối với 01 trường hợp qua đơn thư khiếu nại của công dân tại thị trấn Nàng Mau huyện Vị Thuỷ.
Tham gia giám sát cùng Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh để giám sát việc chấp hành pháp luật trên địa bàn tỉnh trong một số lĩnh vực; tham dự các cuộc đối thoại của người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền tại một số huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh; đối thoại với doanh nghiệp; đối thoại của lãnh đạo tỉnh đối với một số trường hợp bức xúc của công dân trên địa bàn.
2. Tồn tại, hạn chế, nguyên nhân
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang hiện có 05 đại biểu, trong đó có 03 đại biểu công tác tại các cơ quan Trung ương và Quân khu 9. Do vậy, trong hoạt động giám sát tại địa phương chỉ có 02 đại biểu là Trưởng đoàn và Phó Trưởng đoàn chuyên trách tham gia thường xuyên. Các đại biểu công tác ở Trung ương nắm giữ các chức vụ lãnh đạo chủ chốt trong các cơ quan nhà nước nên gặp khó khăn trong việc tham gia các đợt giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tại địa phương. Mặt khác, năm 2020, do phòng chống đại dịch Covid 19 nên một số cuộc giám sát phải đình, hoặc hoãn thực hiện giám sát bằng văn bản.
3. Bài học kinh nghiệm
Tổ chức quán triệt, thực hiện tốt chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đến các vị đại biểu Quốc hội, công chức Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh.
Vai trò tham mưu, phục vụ của đội ngũ công chức Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã bám sát vào nhiệm vụ, từng thời gian cụ thể đề xuất xây dựng kế hoạch, thành lập Đoàn giám sát và tổng hợp báo cáo đúng thời gian và tiến độ theo quy định.
Sự tham gia, phối hợp tích cực của các cơ quan hữu quan cũng như đối tượng chịu sự giám sát trong việc tham gia Đoàn giám sát, chuẩn bị nội dung làm việc với Đoàn giám sát trang trọng, chu đáo, đúng thành phần.
II. Kế hoạch giám sát năm 2021
1. Tổ chức triển khai, thực hiện nội dung giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Tổ chức xây dựng kế hoạch phối hợp cùng Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp Đoàn giám sát của Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội đến giám sát tại tỉnh Hậu Giang (tháng 4/2021). Thực hiện giám sát chuyên đề “Về việc quyết toán ngân sách nhà nước năm 2019; Báo cáo tài chính nhà nước năm 2019; Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020; Kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2020, triển khai dự toán ngân sách nhà nước năm 2021 ”.
2. Thực hiện quyền giám sát và phối hợp giám sát theo chức năng, nhiệm vụ
Tổ chức để các vị đại biểu Quốc hội thực hiện quyền giám sát thông qua hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp của Quốc hội và tại các phiên họp trực tuyến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Tạo điều kiện để thành viên của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tham gia cùng Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mà đại biểu Quốc hội là thành viên.
Theo dõi, giám sát việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri đối với các nội dung gửi Bộ, ngành Trung ương và chính quyền địa phương. Lựa chọn để thực hiện quyền giám sát trực tiếp đối với một số trường hợp qua đơn khiếu nại của công dân.
Phối hợp cùng Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát chuyên đề đối với một số vấn đề nổi cộm bức xúc tại địa phương. Tạo điều kiện cho các vị đại biểu Quốc hội cùng phối hợp tham gia giám sát các chuyên đề tại địa phương theo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh; tham dự cuộc đối thoại của người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền; đối thoại với doanh nghiệp; đối thoại của lãnh đạo tỉnh với một số trường hợp bức xúc của công dân,… và các phiên giải trình do Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh tổ chức.
III. Kiến nghị để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát
1. Kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo xem xét, giải quyết, các kiến nghị của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố đối với các báo cáo giám sát chuyên đề theo yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cụ thể là tại các báo cáo kết quả giám sát “Việc thực hiện các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên”.
2. Kiến nghị Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội thường xuyên tập huấn kỹ năng về cách thức tiếp cận và thu thập thông tin, kỹ năng tiến hành một cuộc giám sát cho các vị đại biểu Quốc hội khoá XV; kỹ năng phục vụ hoạt động giám sát, khảo sát cho công chức Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố.
Trên đây là báo cáo tổng hợp hoạt động giám sát năm 2020 của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang./.