Xem chi tiết tin - ĐOÀN ĐBQH VÀ HĐND TỈNH HẬU GIANG - ĐẠI BIỂU NHÂN DÂN TỈNH HẬU GIANG

 

Báo cáo tình hình dịch bệnh COVID-19, thực hiện chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hậu Giang

Ngày 17-11-2021

Thực hiện Công văn số 4366/TTKQH-TH, ngày 21 tháng 5 năm 2021 của Tổng Thư ký Quốc hội về việc báo cáo công tác phòng, chống dịch Covid -19 và việc thực hiện chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang xin tổng hợp báo cáo một số nội dung như sau:

I. Công tác phòng, chống dịch COVID-19

1. Tình hình dịch bệnh trong tỉnh

Hiện tỉnh Hậu Giang vẫn chưa ghi nhận được các trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 trên đị bàn tỉnh.

Tổng số trường hợp được cách ly, theo dõi từ đầu dịch đến nay là 8.089 người (cách ly y tế tập trung 2.112 người; theo dõi sức khoẻ tại nhà 5.977); tổng số đã được cách ly đủ 14 ngày 7.318 người (cách ly y tế tập trung 2.009 người; theo dõi sức khoẻ tại nhà 5.309 người); hiện còn đang theo dõi cách ly 771 người (cách ly y tế tập trung 103 người; theo dõi sức khoẻ tại nhà 668 người). Tổng số tiếp nhận cách ly tập trung đối với người nhập cảnh 15 đợt với tổng số 1.444 người. Tổng số mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 đã thực hiện là 4.421 mẫu, kết quả tất cả đều âm tính.

Số người dân trên địa bàn tỉnh Hậu Giang được cách ly tập trung tại các tỉnh khác là 489 người, hiện còn 21 người đang được theo dõi sức khoẻ tại nhà.

Số người về từ TPHCM, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội và các tỉnh thành có ca mắc cộng đồng trong cả nước đã thực hiện khai báo y tế và được quản lý, giám sát chặt chẽ là 64.976 người; hết thời gian theo dõi, giám sát là 58.492 người; hiện còn 6.484 người tự theo dõi sức khỏe.

Tổng số người được tiêm ngừa COVID-19 là 6.319 người/6.000, đạt tỷ lệ 105,32% (tỷ lệ trên 100% là do vắc xin được cấp có dự trù tỷ lệ hao hụt). Kế hoạch Bộ Y tế phân bổ vắc xin đợt 3 cho tỉnh Hậu Giang là 14.000 liều, Sở Y tế đang xây dựng Kế hoạch triển khai tiêm vắc xin đợt 3.

2. Công tác triển khai các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn

Trong những ngày qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia, Bộ Y tế đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo khẩn, tăng cường về công tác phòng, chống dịch COVID-19. Trên cơ sở đó Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh đã ban hành đầy đủ, kịp thời các văn bản chỉ đạo tăng cường về công tác phòng, chống dịch COVID-19 phù hợp với thực tiễn diễn biến tình hình dịch bệnh trên địa bàn Tỉnh như: Thông báo số 111/TB-VPTU ngày 30 tháng 4 năm 2021, Thông báo số 118/TB-VPTU ngày 19 tháng 5 năm 2021; Công văn 596/UBND-NCTH ngày 06 tháng 5 năm 2021, Công văn số 614/UBND-NCTH ngày 11 tháng 5 năm 2021; Công văn số 10/BCĐ ngày 03 tháng 5 năm 2021,… Theo đó, đã chỉ đạo tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn cụ thể.

Chỉ đạo các sở, ban, ngành và các địa phương thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19, tiếp tục tăng cường cảnh giác với nguy cơ dịch bệnh cao nhất, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch đã đề ra với phương châm phòng ngừa tích cực, phát hiện sớm, cách ly nhanh, điều trị hiệu quả, xử lý dứt điểm, nhanh chóng ổn định tình hình. Nghiêm túc triển khai thực hiện tốt thông điệp 5K, bắt buộc đeo khẩu trang và sát khuẩn tay.

Chỉ đạo ngành Y tế phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện rà soát, truy vết thần tốc, lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp có liên quan đến các ca bệnh theo thông báo từ Bộ Y tế hoặc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật của các tỉnh; Chấn chỉnh công tác phòng chống dịch tại các cơ sở y tế, bắt buộc đeo khẩu trang. Tổ chức thực hiện nghiêm các quy trình về sàng lọc, phân loại, phân luồng; tuyệt đối không để lây nhiễm chéo trong bệnh viện; tiếp tục mở rộng xét nghiệm cho các đối tượng nghi ngờ.

Chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại các khu công nghiệp, hướng dẫn các doanh nghiệp đánh giá an toàn chống dịch tại các cơ sở sản xuất.

Chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Sở Y tế khảo sát các cơ sở cách ly tập trung trên địa bàn để lắp đặt camera giám sát tại các khu cách ly.

Chỉ đạo đảm bảo kế hoạch công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong bầu cử; bổ sung thêm 40 tủ khử khuẩn phiếu bầu bằng tia cực tím của người cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà tại các huyện, thị  xã, thành phố; tổ chức diễn tập công tác y tế, phòng, chống dịch bệnh COVID-19 phục vụ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 tại huyện Vị Thủy. Triển khai đến các Tổ/Điểm bầu cử để hướng dẫn cử tri tham gia bỏ phiếu được thực hiện đầy đủ biện pháp, phòng chống dịch Covid-19 như: khai báo y tế đầy đủ, mang khẩu trang, sát khuẩn tay, giữ khoảng cách và đo thân nhiệt trước khi vào khu vực bầu cử; các trường hợp cách ly tập trung được Ủy ban Bầu cử bố trí tủ khuẩn khử phiếu bầu bằng tia cực tím để cho người cách ly tập trung và lực lượng phục vụ khu vực cách ly được tham gia bỏ phiếu; các trường hợp cách ly tại nhà và tự theo dõi sức khoẻ tại nhà đều được thành viên Tổ bầu cử mang tủ khử khuẩn phiếu bầu bằng tia cực tím mang đến tận nhà cử tri để thực hiện bỏ phiếu, đảm bảo đầy đủ quyền lợi thực hiện bỏ phiếu của cử tri. Kết quả tỷ lệ cử tri tham gia bỏ phiếu bầu cử của Hậu Giang đạt thứ hạng cao so với cả nước (tỷ lệ 99,99%).

Về hoạt động thông tin, tuyên truyền: đã triển khai thực hiện tốt công tác tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch, tập trung truyền thông về thực hiện thông điệp 5K: “Đeo khẩu trang - khử khuẩn - giữ khoảng cách - không tập trung - khai báo y tế”; thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh trên thế giới, trong nước và các tỉnh, thành có ca bệnh. Thông báo trên các phương tiện thông tin về các địa điểm có ca bệnh theo thông báo của Bộ Y tế. Thực hiện tốt chế độ báo cáo về công tác phòng, chống dịch.

Về công tác giám sát, dự phòng: Sở Y tế, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; Công an tỉnh chủ động phối hợp với UBND huyện, thị xã, thành phố quản lý chặt chẽ, thường xuyên kiểm tra, quản lý tốt người nhập cảnh, người nhập cảnh trái phép và các cơ sở cách ly tập trung; huy động các lực lượng và đoàn thể đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng để kịp thời phát hiện các trường hợp nhập cảnh trái phép và người đi từ các địa phương có ca bệnh trở về Hậu Giang.

Về công tác điều trị: đã trang bị đủ cơ số điều trị cho 03 nguyên đơn điều trị (60 giường); đã triển khai phòng xét nghiệm khẳng định virus SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật Realtime RT-PCR đã thực hiện được 4.421 mẫu. Đang xây dựng thêm 01 phòng xét nghiệm virus SARS-CoV-2 tại Bệnh viện đa khoa thành phố Ngã Bảy và 03 cơ sở tại TTYT thị xã Long Mỹ, BV Sản Nhi và BVĐK tỉnh.

Về công tác hậu cần: Sở Y tế phối hợp với UBND thành phố Vị Thanh tổ chức diễn tập phong tỏa khu vực 3, phường I, thành phố Vị Thanh. Sau buổi diễn tập Ban Chỉ đạo tỉnh họp trực tuyến với các địa phương để rút kinh nghiệm và hoàn chỉnh các tình huống, kịch bản diễn tập. UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch phòng, chống dịch COVID-19 tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Khảo sát mở rộng thêm khu cách ly tập trung của thị xã Long Mỹ.

Về kinh phí phòng chống dịch: tổng nhu cầu kinh phí khoảng 224 tỷ 884 triệu đồng. Hiện tại đã được cấp là 115 tỷ 888 triệu đồng. Phần kinh phí còn lại, Sở Y tế đang phối hợp với các sở, ngành cấp tỉnh lập dự toán chi tiết trình cấp thẩm quyền phê duyệt.

3. Đánh giá chung

3.1. Thuận lợi

Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế, Tỉnh ủy quan tâm chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh, sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị trong triển khai thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, nâng mức cảnh báo, cảnh giác cao hơn, quyết liệt hơn; các sở, ngành, địa phương có chủ động phối hợp trong triển khai thực hiện nhiệm vụ được Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh giao.

3.2. Khó khăn, tồn tại

Dịch bệnh trên thế giới và trong nước diễn tiến phức tạp, virus xuất hiện nhiều loại biến th mới, người về từ vùng dịch khai báo y tế không trung thực, một số địa phương các cấp chính quyền chưa thực sự quyết liệt trong công tác kiểm tra người dân đeo khẩu trang nhất là tại các nơi như: chợ, siêu thị…, người dân còn lơ là, chủ quan không đeo khẩu trang nơi công cộng, nên khả năng bệnh lây lan trong cộng đồng là rất lớn.

Hậu Giang gần đây phát hiện một số trường hợp người về từ các nước qua đường biên giới Tây Nam (đường mòn, lối mở) và một số trường hợp về bằng tàu biển, qua sông Hậu cập cảng đến Hậu Giang mới bị phát hiện, qua xét nghiệm các trường hợp này đều âm tính. 

Theo Nghị quyết 16/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định 73/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, chưa quy định định mức hỗ trợ tiền ăn cho Nhân dân khu vực phong tỏa cách ly trong phòng, chống dịch Covid-19, một số tỉnh, thành đã có ban hành định mức hỗ trợ nhưng số tiền hỗ trợ của mỗi địa phương không giống nhau (có tỉnh 40.000đ/người/ngày; có tỉnh 45.000đ/người/ngày,…).

Hiện tại các trường hợp người nhập cảnh và người về từ vùng dịch được cách ly tập trung 21 ngày và thực hiện 04 lần xét nghiệm vi rút SARS-CoV-2, làm chi phí cách ly tăng cao, nhiều người không có khả năng chi trả.

Người cách ly tập trung nâng lên 21 ngày, nhưng các đối tượng cách ly tại nhà chưa có quy định nâng lên 21 ngày nên nhiều địa phương gặp khó trong quyết định thời gian cách ly tại nhà là 14 hay 21 ngày.

4. Kiến nghị, đề xuất

Kiến nghị Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có chỉ đạo và tăng cường thêm lực lượng chức năng tuần tra, kiểm soát các tuyến biên giới cả đường bộ và đường biển để giảm thiểu các trường hợp người nhập cảnh trái phép, không khai báo y tế, di chuyển qua nhiều địa phương, gây nguy cơ dịch bệnh bùng phát trong cộng đồng.

Kiến nghị Bộ Tài chính, Bộ Y tế có hướng dẫn cụ thể định mức hỗ trợ tiền ăn cho Nhân dân khu vực phong tỏa cách ly trong phòng, chống dịch Covid-19 để các địa phương chủ động trong triển khai thực hiện.

Kiến nghị có chính sách, chế độ hỗ trợ các người cách ly tập trung khi kéo dài thời gian cách ly.

Kiến nghị Bộ Y tế hướng dẫn thời gian cách ly tại nhà (là 14 hay 21 ngày) để địa phương thống nhất thực hiện.

Theo Quyết định số 3468/QĐ-BYT ngày 07/8/2020 của Bộ Y tế về việc ban hành hướng dẫn tạm thời giám sát và phòng, chống COVID-19 quy định khi kết quả xét nghiệm bằng phương pháp realtime PCR của F1 âm tính thì F2 sẽ kết thúc cách ly tại nhà. Tuy nhiên, hiện nay tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, tỷ lệ F1 thành F0 rất cao. Kiến nghị Bộ Y tế chỉ đạo khi F1 có kết quả xét nghim âm tính thì F2 tiếp tục theo dõi tại nhà cho đến khi F1 âm tính lần thứ 2 vào ngày thứ 14.

Kiến nghị Trung ương cấp vắc xin ngừa Covid-19 miễn phí cho một số tỉnh còn khó khăn về ngân sách, các khoản hậu cần thì địa phương chịu trách nhiệm chi.

II. Kết quả thực hiện hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 42/NQ-CP và Nghị quyết số 154/NQ-CP

1. Công tác quán triệt, triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19

1.1. Việc ban hành các văn bản chỉ đạo, triển khai công tác hỗ trợ tại địa phương

Để kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương rà soát, tổng hợp đối tượng được hỗ trợ, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã thành lập 03 đoàn đến 08/08 huyện, thị xã, thành phố để trao đổi, nghe các địa phương thông tin về tình hình thực hiện, cũng như các khó khăn, vướng mắc khi thực hiện để hướng dẫn hoặc ghi nhận, báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo. Trên cơ sở kết quả khảo sát, UBND tỉnh tổ chức 01 cuộc họp trực tuyến để triển khai, chỉ đạo việc thực hiện các chính sách hỗ trợ theo quy định.

Thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP, Nghị quyết số 154/NQ-CP và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg, Quyết định số 32/2020/QĐ-TTg, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện quy định về các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch Covid-19 trên địa bàn Tỉnh. Trong đó, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ngành, địa phương, thời gian thực hiện cụ thể từng công việc. Văn phòng Tỉnh ủy cũng đã có văn bản thông báo ý kiến chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy về việc tổ chức cấp phát hỗ trợ cho hộ nghèo, cận nghèo đối với một số đơn vị.

1.2. Công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn người dân trong việc thụ hưởng các chính sách hỗ trợ

Nhằm tuyên truyền, phổ biến rộng rãi và kịp thời giải đáp những vướng mắc, kiến nghị về các chính sách hỗ trợ của người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tóm tắt nội dung phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Hậu Giang và UBND huyện, thị xã, thành phố và thông tin tuyên truyền các chính sách hỗ trợ trên các phương tiện thông tin đại chúng từ tỉnh đến cơ sở; cung cấp đầy đủ, kịp thời các hình ảnh, video nhận diện, tài liệu Hỏi đáp do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phát hành và thông báo rộng rãi số điện thoại đường dây nóng đến các tổ chức, cá nhân trên địa bàn Tỉnh; đồng thời, đã đăng tải cụ thể nội dung thông tin tuyên truyền trên trang thông tin điện tử của Sở, cập nhật nội dung nhận diện vào HauGiang App. Bên cạnh đó, UBND tỉnh công bố danh mục thủ tục hành chính thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn Tỉnh.

Để thuận lợi trong việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ cho người dân, nhất là đối tượng người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do), trên cơ sở ý kiến của các đơn vị Công an tỉnh, Sở Công Thương, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tiến hành tổng hợp và triển khai đến các địa phương nội dung nhận diện, giải thích làm rõ một số nội dung liên quan để địa phương nghiên cứu, thực hiện.

1.3. Công tác giám sát việc triển khai thực hiện hỗ trợ

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh ban hành kế hoạch kiểm tra, đánh giá hiệu quả công tác giám sát việc triển khai hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19 cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh Hậu Giang (Kế hoạch số 98/KH-MTTQ-BTT ngày 04 tháng 5 năm 2020). Kết quả: đã tổ chức giám sát ngẫu nhiên 10 đơn vị cấp xã, đi thực tế người dân, có 100% người được khảo sát đều nhận đầy đủ, kịp thời số tiền theo quy định.

Trong quá trình triển khai thực hiện, các cơ quan, đơn vị và địa phương theo chức năng nhiệm vụ đã phối hợp chặt chẽ, thường xuyên liên hệ, trao đổi để thống nhất thực hiện. Bên cạnh đó, một số đơn vị cũng có kế hoạch cụ thể và tổ chức các đoàn và phân công công chức phụ trách chuyên môn kiểm tra, giám sát việc cấp phát chi hỗ trợ tại cơ sở.

2. Kết quả hỗ trợ các đối tượng

2.1. Chính sách hỗ trợ người dân

Tính đến ngày 27/4/2021 tỉnh Hậu Giang đã thực hiện hỗ trợ cho các nhóm đối tượng theo Nghị quyết số 42/NQ-CP và Nghị quyết số 154/NQ-CP, cụ thể như sau.

Hộ kinh doanh có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm: 92 hộ, kinh phí 92 triệu đồng.

Người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp: 08 người, kinh phí 08 triệu đồng.

Người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm (lao động tự do): 22.485 người, kinh phí: 22.435,1 triệu đồng. Trong đó, có 3.645 người bán lẻ vé số lưu động và 499 người bán vé số theo Công văn số 630/UBND-NCTH ngày 02/4/2020 của UBND tỉnh Hậu Giang (mức 900.000 đồng/người).

Người có công với cách mạng; người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; đối tượng bảo trợ xã hội: 97.763 người, kinh phí: 96.625,45 triệu đồng. (Đính kèm phụ lục báo cáo)

2.2. Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp

Trong thời gian qua UBND tỉnh đã chỉ đạo Cục Thuế tỉnh thực hiện nghiêm Nghị định số 41/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020 của Chính phủ về gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất; Nghị định 114/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Nghị quyết số 116/2020/QH14 của Quốc hội về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác; Nghị định 70/2020/NĐ-CP ngày 28/6/2020 của Chính phủ quy định mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2020; Nghị định số 52/2021/NĐ-CP ngày 19/4/2021 của Chính phủ về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021.

Kết quả, Năm 2020 Cục Thuế tỉnh Hậu Giang đã gia hạn cho người nộp thuế với tổng số thuế là 52 tỷ đồng; thực hiện giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp (do doanh nghiệp tự xác định và kê khai với cơ quan thuế) thuộc đối tượng giảm 30% trong năm 2020 là 5,6 tỷ đồng. Tổng số lượng xe được giảm 50% trước bạ năm 2020 là 783 xe, số tiền 17 tỷ đồng. Dự kiến năm 2021 Cục Thuế tỉnh thực hiện gia hạn cho Người nộp thuế khoảng 60 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương phối hợp tốt với ngành Ngân hàng trong việc thực hiện các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; giúp ngành Ngân hàng nhận diện những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, người dân trong tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, để ngành Ngân hàng đẩy nhanh, mạnh hơn nữa các biện pháp về giải ngân vốn tín dụng, nhằm tạo điều kiện thuận lợi để người dân, doanh nghiệp được tiếp cận vốn vay, khôi phục và phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần tăng trưởng kinh tế tại địa phương. 

Trên cơ sở đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh chỉ đạo các TCTD chủ động rà soát, đánh giá mức độ ảnh hưởng của dịch đối với khách hàng đang vay vốn; triển khai thực hiện nghiêm túc các biện pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 theo đúng quy định tại Thông tư 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 của Thống đốc NHNN. Kết quả năm 2020, các TCTD trên địa bàn đã gia hạn nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho 297 khách hàng với dư nợ 1.485 tỷ đồng; miễn, giảm lãi vay cho 73 khách hàng với dư nợ 2.763 tỷ đồng, số tiền lãi đã miễn, giảm 627 triệu đồng; trên địa bàn chưa có doanh nghiệp đề nghị vay vốn để trả lương cho người lao động bị mất việc theo Quyết định 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trong 04 tháng đầu năm 2021, các TCTD trên địa bàn đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho 96 khách hàng với dư nợ 74,169 tỷ đồng; miễn, giảm lãi vay cho 73 khách hàng với dư nợ 84,072 tỷ đồng, số tiền lãi đã miễn, giảm 630 triệu đồng.

3. Đánh giá chung

3.1. Mặt làm được

Các chính sách hỗ trợ được Chính phủ ban hành kịp thời đã giúp cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhất là người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo giảm bớt khó khăn trong cuộc sống, góp phần đảm bảo công tác an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh nói riêng và của cả nước nói chung.

Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh rất quan tâm chỉ đạo công tác rà soát, phê duyệt danh sách và tổ chức chi tiền hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 bảo đảm kịp thời, đúng đối tượng xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh nhằm đảm bảo đời sống Nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Các sở, ngành, đoàn thể tỉnh đã phối hợp tốt trong việc hướng dẫn, đôn đốc, nhắc nhỡ các địa phương suốt quá trình rà soát, lập danh sách người dân đủ điều kiện hỗ trợ, hoàn thiện hồ sơ, thủ tục theo quy định. Với nội dung các địa phương còn chưa rõ, thì các sở, ngành, đoàn thể tỉnh chủ động trao đổi, thống nhất và ban hành văn bản hướng dẫn để địa phương dễ thực hiện.

Mặc dù thời gian rất ngắn, số lượng đối tượng nhiều (trong đó, có nhiều trường hợp thuộc diện được hỗ trợ từ 02 chính sách trở lên) nhưng UBND huyện, thị xã, thành phố đã tập trung chỉ đạo các đơn vị chuyên môn khẩn trương rà soát, lập danh sách đề nghị về cấp có thẩm quyền thẩm định, quyết định phê duyệt danh sách hỗ trợ kịp thời cho người dân đúng theo quy định, tạo được sự đồng thuận cao của Nhân dân, không xảy ra khiếu kiện, khiếu nại.

Công tác tuyên truyền về đối tượng được hỗ trợ, hồ sơ, thủ tục thực hiện được quan tâm thực hin với nhiều hình thức.

Công tác kiểm tra, giám sát được các cấp, các ngành quan tâm triển khai thực hiện, nhất là công tác cấp tiền hỗ trợ cho người dân.

3.2. Một số vấn đề tồn tại, khó khăn và nguyên nhân

Việc hướng dẫn nhận diện ban đầu đối với đối tượng người lao động chưa được cụ thể, dẫn đến tình trạng lúng túng, ở cơ sở có lúc, nơi còn trông chờ văn bản hướng dẫn mới triển khai thực hiện, dù đã tăng cường công tác tuyên truyền, giải thích và chuẩn bị các mẫu biểu đề nghị để người lao động nhận và lập đề nghị.

Một số đối tượng thuộc người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm (lao động tự do) ở một số lĩnh vực, ngành nghề khác cũng gặp khó khăn do dịch Covid-19 nhưng không thuộc đối tượng hỗ trợ theo Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Trên đây là báo cáo công tác phòng, chống dịch Covid-19 và việc thực hiện chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hậu Giang./.