Xem chi tiết tin - ĐOÀN ĐBQH VÀ HĐND TỈNH HẬU GIANG - ĐẠI BIỂU NHÂN DÂN TỈNH HẬU GIANG

 

Báo cáo tổng hợp ý kiến đóng góp dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi)

Ngày 14-12-2021

Thực hiện Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2021 của Quốc hội. Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang tổ chức lấy ý kiến đóng góp dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), có 06 lượt ý kiến đóng góp. Đa số ý kiến tán thành với nội dung quy định của dự thảo Luật; đánh giá cao tiếp thu chỉnh lý, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Xin tổng hợp báo cáo một số nội dung chính như sau:

1. Giải thích từ ngữ (Điều 3)

Đề nghị bổ sung thêm cụm từ “gia đình” vào quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3, Điều 3.

2. Các loại hình khen thưởng (Điều 4)

Khoản 1, Luật sửa đổi quy định là chưa phù hợp “Khen thưởng cho cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc”, trong khi quy định về các tiêu chuẩn khen thưởng là “từ hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên”. Việc quy định thành tích xuất sắc để được khen thưởng là không định lượng được.

Đề nghị viết lại như sau “Khen thưởng theo công trạng là khen thưởng cho cá nhân, tập thể có thành tích tiêu biểu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.

3. Nguyên tắc thi đua, khen thưởng (Điều 6)

Điểm a, khoản 1, đề nghị bổ sung thêm nguyên tắc “dân chủ” trong thi đua, khen thưởng.

Điểm c, khoản 2, Điều 6, có quy định việc “Không tặng thưởng nhiều hình thức cho một thành tích đạt được. Theo quy định này, có thể hiểu là thành tích theo công trạng và thành tích đạt được trong năm đã được Thủ trưởng cơ quan tặng Giấy khen thì không được tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND cấp tỉnh, cũng như các hình thức khen thưởng khác cao hơn. Mà muốn được khen thưởng ở hình thức nào cần phải tích lũy thành tích đạt được theo từng giai đoạn.

Đề nghị viết lại như sau “Một hình thức khen thưởng có thể tặng nhiều lần cho một đối tượng; đối với khen thưởng đột xuất, theo đợt hoặc chuyên đề, không tặng thưởng nhiều hình thức cho một thành tích đạt được”.

4. Hình thức khen thưởng (Điều 8)

Khoản 5, đề nghị tách ra thành 2 hình thức khen thưởng khác nhau khoản 5 là “Kỷ niệm chương” và khoản khác là “Huy hiệu” cho phù hợp tại Điều 69 và Điều 70.

5. Các hành vi bị nghiêm cấm (Điều 12)

Nhìn chung, các hành vi bị nghiêm cấm quy định tại điều này đều tập trung vào các cá nhân, tập thể tổ chức thực hiện thi đua, khen thưởng và được đề nghị khen thưởng. Chưa đề cập đến các cá nhân, tập thể giữ vai trò tham mưu hay thực hiện thủ tục thi đua, khen thưởng. Do đó, đề nghị bổ sung nghiêm cấm đối với cá nhân, tập thể gây khó khăn, cản trở, làm chậm trễ trong công tác thi đua, khen thưởng.

6. Thẩm quyền phát động, chỉ đạo phong trào thi đua (Điều 15)

Đề nghị viết lại khoản 4 như sau “Người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị phát động, chỉ đạo phong trào thi đua trong phạm vi cơ quan, tổ chức, đơn vị và lĩnh vực phụ trách”. Đối với các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, việc phát động phong trào thi đua không chỉ trong nội bộ đơn vị mà còn phải phát động phong trào thi đua đến các phòng chuyên môn trực thuộc UBND cấp huyện thuộc ngành, lĩnh vực quản lý.

7. Danh hiệu thi đua đối với cá nhân (Điều 16)

Quy định danh hiệu thi đua “Chiến sĩ thi đua cấp bộ, ban, ngành, tỉnh là chưa phù hợp vì từ “cấp” là thể hiện theo vùng, lãnh thổ; đơn vị hành chính cấp Trung ương và cấp địa phương tỉnh, huyện, xã. Đề nghị viết lại như sau: “Chiến sĩ thi đua bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương, cấp tỉnh”.

8. Danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quốc” (Điều 18)

Khoản 2, quy định việc công nhận hiệu quả áp dụng và phạm vi ảnh hưởng toàn quốc của sáng kiến, đề tài khoa học, đề án khoa học, công trình khoa học giao cho người đứng đầu các bộ, ban, ngành, tỉnh công nhận là chưa phù hợp vì có thể mang tính chất chủ quan. Nếu giao cho cấp tỉnh công nhận thì đề nghị Trung ương không xem xét về phạm vi ảnh hưởng cấp toàn quốc của sáng kiến mà thẩm định dựa trên văn bản công nhận của cấp tỉnh.

9. Danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở (Điều 20)

Quy định về danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” Luật quy định rõ các tiêu chuẩn của danh hiệu này và không khống chế tỉ lệ khen thưởng tại các cơ quan, đơn vị, địa phương, đồng thời cũng không giao Chính phủ hoặc bộ, ban, ngành tỉnh quy định tỉ lệ danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” tại cơ quan, đơn vị, địa phương. Nhưng thực tế thời gian qua, khi ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Thi đua, khen thưởng, Chính phủ đã khống chế tỉ lệ tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” (không quá 15% tổng số cá nhân đạt danh hiệu lao động tiên tiến hoặc danh hiệu chiến sĩ tiên tiến). Do đó, để công tác thi đua, khen thưởng thật sự phát huy hiệu quả, tránh hình thức, đề nghị nên xem xét bổ sung hoặc giao bộ, ban, ngành, tỉnh quy định tỉ lệ xét tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” tại bộ, ban, ngành, tỉnh; trường hợp giao bộ, ban, ngành, tỉnh quy định, Luật cũng cần đưa ra chỉ tiêu khống chế cụ thể.

10. Cờ thi đua của Chính phủ (Điều 22)

Điểm a, khoản 1 Điều 22 và điểm a, khoản 1 Điều 23 quy định cụm từ “Hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu thi đua”, cụm từ này được hiểu là các chỉ tiêu thi đua đều phải hoàn thành vượt mức thì rất khó đảm bảo được.

Đề nghị điều chỉnh cụm từ “hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu thi đua” thành “Hoàn thành và vượt mức các chỉ tiêu thi đua”; bổ sung từ “và” sẽ đảm bảo cho việc có những chỉ tiêu thi đua hoàn thành và có những chỉ tiêu thi đua vượt mức khi xem xét tặng thưởng Cờ thi đua.

            11. Danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc”, “Đơn vị quyết thắng” (Điều 25)

Quy định về danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc”, “Đơn vị quyết thắng” Luật giao bộ, ban, ngành, tỉnh quy định cụ thể đối tượng, tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc”, “Đơn vị quyết thắng” khoản 3. Để thuận tiện trong quá trình thực hiện, tránh bệnh hình thức đề nghị nên giao thêm cho các bộ, ban, ngành, tỉnh quy định chỉ tiêu khống chế tỉ lệ xét tặng danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc”. Vì vậy, nếu như không quy định chỉ tiêu khống chế tỉ lệ khen thưởng sẽ gây lúng túng cho các đơn vị trong việc thực hiện, bên cạnh đó nếu không có chỉ tiêu khống chế có thể xảy ra trường hợp 100% các đơn vị trong một cơ quan đều đạt danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc”.

12. “Huân chương Lao động” hạng Nhì (Điều 40)

Điểm d, khoản 1 đề nghị viết lại như sau “Đã được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba và 05 năm tiếp theo trở lên liên tục được công nhận hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, trong thời gian đó có 03 năm trở lên được công nhận hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và có 01 lần được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp bộ, ban, ngành, tỉnh. Việc điều chỉnh 02 năm lên 03 năm nhằm góp phần nâng giá trị của việc tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì.

13. “Huân chương Lao động” hạng Ba (Điều 41

Quy định tại điểm đ, khoản 1 đề nghị điều chỉnh lại như sau “Đã được tặng thưởng “Bằng khen Thủ tướng Chính phủ”, sau đó có 05 năm tiếp theo trở lên liên tục được công nhận hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, trong thời gian 02 năm trở lên được công nhận hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và có 03 lần được tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở”.

Việc điều chỉnh “01 năm” lên “02 năm” nhằm góp phần nâng giá trị của việc tặng thưởng “Huân chương Lao động” hạng Ba, đồng thời có tiêu chuẩn cao hơn “Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ”.

14. Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (Điều 72)

Điểm b, khoản 1 “Đã được tặng Bằng khen cấp bộ, ngành, tỉnh và 5 năm tiếp theo trở lên liên tục được công nhận hoàn thành tốt nhiệm vụ, trong thời gian đó có 03 lần được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở”.

Đề nghị viết lại như sau “Đã được tặng Bằng khen cấp bộ, ban, ngành, tỉnh và 05 năm tiếp theo trở lên liên tục được công nhận hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, trong thời gian đó có 01 năm trở lên được công nhận hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và 03 lần được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở. Việc bổ sung cụm từ “01 năm trở lên được công nhận hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” nhằm góp phần nâng giá trị của việc tặng thưởng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

Khoản 2, điểm b, điểm c, đối với công nhân, nông dân đề nghị bổ sung thêm cụm từ “Đạt được một trong những tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều 13”.

Đề nghị bổ sung thêm điểm d vào khoản 2 như sau “Doanh nhân lập được nhiều thành tích, có đóng góp quan trọng vào sự phát triển của huyện và tương đương hoặc của ngành, lĩnh vực được cấp bộ, cấp tỉnh công nhận”.

15. Bằng khen của cấp bộ, ban, ngành, tỉnh (Điều 73)

Quy định tại điểm d, khoản 1 đề nghị viết lại như sau “Có 01 lần liên tục được tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở”, trong thời gian đó 01 năm được công nhận hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; đối với công nhân, nông dân, người lao động lập được nhiều thành tích trong lao động sản xuất có phạm vi ảnh hưởng trong cấp xã, cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp”.

Việc bổ sung cụm từ “trong thời gian đó có 01 năm được công nhận hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” nhằm góp phần nâng giá trị của việc tặng thưởng Bằng khen cấp bộ, ban, ngành, tỉnh.

16. Hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu thi đua và khen thưởng (Điều 83)

Điểm d, khoản 1 và điểm d, khoản 2 Điều 83 có quy định cụm từ “Chứng nhận của cơ quan quản lý có thẩm quyền”, ngoài “chứng nhận” còn có “quyết định công nhận” của cơ quan quản lý có thẩm quyền. Do đó, nên xem xét bổ sung cụm từ “hoặc quyết định công nhận” để đảm bảo phạm vi thẩm định hồ sơ được bao quát hơn.

Khoản 6, quy định “Cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện việc áp dụng công nghệ thông tin, hiện đại hoá về quản lý công tác thi đua khen thưởng”. Đề nghị bỏ quy định tại khoản 6. Do nội dung này không liên quan đến hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu thi đua và khen thưởng.

 17. Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các cấp (Điều 91)

Khoản 2 “Thành phần Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương gồm Chủ tịch Hội đồng là Thủ tướng Chính phủ, các Phó Chủ tịch Hội đồng và các thành viên khác là đại diện lãnh đạo cơ quan của Đảng, Nhà nước, cơ quan Trung ương của các tổ chức chính trị - xã hội”.

Đề nghị viết lại như sau “Thành phần Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương gồm Chủ tịch Hội đồng là Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng là Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng là Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương và các thành viên khác là đại diện lãnh đạo cơ quan của Đảng, Nhà nước, cơ quan Trung ương của các tổ chức chính trị - xã hội”.

18. Một số nội dung khác

Luật nên quy định hình thức khen thưởng, các danh hiệu, tiêu chuẩn khen thưởng chung và ở cấp nhà nước còn tiêu chuẩn, điều kiện khen thưởng cụ thể nên giao cho các bộ, ngành và địa phương. Như vậy, sẽ phù hợp hơn, sát hơn với từng đối tượng và lĩnh vực, ngành nghề, địa bàn; đối với khen thưởng cấp Nhà nước cần quy định trách nhiệm và quyền của Hội đồng thi đua các cấp. Ở Chính phủ, Nhà nước chỉ nên kiểm tra xem xét thủ tục và hồ sơ rồi quyết định và phải có trả lời rõ bằng văn bản vì sao không được. Không nên xem xét đánh giá lại thành tích thực tế vì rất mất thời gian và tạo ra nhiều tiêu cực. Khi cần có thể tiến hành kiểm tra chọn mẫu.

Đề nghị bổ sung quy định trách nhiệm đăng tải quyết định khen thưởng của cấp có thẩm quyền trên Trang hoặc Cổng thông tin điện tử để phù với với nguyên tắc công khai được quy định tại Điều 6. Đồng thời đề nghị bổ sung quy định chậm nhất sau 03 ngày làm việc, người có thẩm quyền ký quyết định khen thưởng đăng tải công khai lên Trang hoặc Cổng thông tin điện tử, điều này nhằm hạn chế các tiêu cực có liên quan đến khen thưởng cũng như kịp thời công khai việc tuyên dương cá nhân, tổ chức được khen thưởng.

Cần quy định cụ thể: Việc khen thưởng cho đại biểu Quốc hội chuyên trách ở địa phương và công nhận các danh hiệu thi đua hàng năm và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.

Ngoài ra, dự thảo Luật phân cấp cho bộ, ban, ngành, tỉnh quy định cụ thể đối tượng, tiêu chí xét tặng “Cờ thi đua” (khoản 3, Điều 23), “Tập thể lao động xuất sắc”, “Đơn vị quyết thắng” (khoản 3, Điều 24), “Tập thể lao động tiên tiến”, “Đơn vị tiên tiến” (khoản 3, Điều 25), “Bằng khen” (khoản 6, Điều 73). Tuy nhiên, để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong cả nước, đề nghị Luật nên quy định hoặc giao Chính phủ quy định tiêu chuẩn xét tặng đối với các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng.

Trên đây là tổng hợp ý kiến đóng góp dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang./.


You do not have the roles required to access this portlet.